Bệnh nhân là bà Nguyễn Thị T.V (40 tuổi, ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Bà V có tiền sử cách đây vài năm từng xuất hiện co giật tay chân. Gần đây, sau khi âm tính SARS-CoV-2 được 2 ngày, bà đột ngột xuất hiện ý thức lơ mơ, co quắp tay chân.
Người bệnh được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng ý thức lơ mơ, xuất hiện thêm 1 cơn co giật tay chân, da tím tái. Sau khi rà soát, làm chẩn đoán, các bác sĩ đã định hướng đến nguyên nhân co giật do hạ canxi máu.
Người bệnh ngay lập tức được bù dịch, điện giải. Khi chuyển bệnh nhân sang Khu điều trị hậu COVID-19, thầy thuốc tại đơn vị Nội yêu cầu đã phát hiện bệnh nhân có thêm tình trạng như: Khó thở, hụt hơi do tổn thương phổi sau mắc COVID – 19 kèm rối loạn chức năng tiền đình, rối loạn lo âu, giấc ngủ..
Tại Đơn vị Nội yêu cầu, bệnh nhân tiếp tục được bù dịch, điều chỉnh rối loạn điện giải, điều trị tổn thương phổi hậu COVID-19. Các bài tập thở phục hồi chức năng phổi, giải quyết các rối loạn lo âu, giấc ngủ của người bệnh cũng được tiến hành.
Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã hết các rối loạn điện giải, đỡ hụt hơi, khó thở, trở về giấc ngủ sinh lý bình thường.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), hạ canxi xảy ra khi nồng độ canxi toàn phần trong huyết thanh hơn mức 8,8 mg/dL nhưng protein huyết tương vẫn bình thường, hoặc hàm lượng canxi ion hoá bão hoà trong máu ở dưới mức 4,7 mg/dL.
Triệu chứng hạ canxi là gì?
Một số người sẽ không xuất hiện bất kỳ triệu chứng tụt canxi nào. Song, phần lớn người bị tình trạng này sẽ có các biểu hiện như:
- Co thắt hoặc cứng cơ bắp
- Hạ huyết áp
- Mệt mỏi
- Gặp vấn đề về trí nhớ
- Tâm trạng thay đổi thất thường, dễ lo âu, khó chịu, bồn chồn
- Khó nói, khó nuốt
- Run tay chân
- Có cảm giác châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân hoặc dị cảm
Tụt canxi nặng có thể gây co giật, rối loạn nhịp tim, co thắt thanh quản, suy tim.
Hạ canxi cần được điều trị bằng cách bổ sung canxi nhanh chóng. Nếu nhẹ, bệnh nhân được dùng canxi đường uống, còn nặng phải truyền dịch sau đó mới chuyển sang đường uống.
Bên cạnh đó, cần phải tìm ra nguyên nhân và điều trị để tránh tình trạng tụt canxi tái phát. Chẳng hạn như nếu bệnh nhân không bổ sung đủ canxi hoặc vitamin D thì điều chỉnh chế độ ăn uống là điều đầu tiên bạn cần làm. Nếu bạn dùng thuốc và dẫn đến tụt canxi, hãy báo với bác sĩ để được điều chỉnh liều lượng hoặc đổi sang một loại thuốc khác…