“Flappy Bird được thiết kế để chơi trong vài phút khi bạn có thời gian thư giãn," Hà Đông nói trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Forbes. “Nhưng nó đã trở thành một sản phẩm gây nghiện. Tôi nghĩ nó có vấn đề. Để giải quyết vấn đề đó, tốt nhất là hạ Flappy Bird xuống. Nó đã vĩnh viễn ra đi.”
Theo Forbes, cuộc phỏng vấn được thực hiện với điều kiện tác giả bài viết không đưa hình của Đông lên mặt báo, đồng thời diễn ra sau cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ của Đông với Phó Thủ tướng chính phủ Vũ Đức Đam, người xuất thân từ dân công nghệ và luôn có tư tưởng khuyến khích các tài năng trẻ.
Trong bài phỏng vấn này, Đông cũng nói anh không biết đích xác Flappy Bird đem lại cho anh bao nhiêu tiền mỗi ngày nhờ quảng cáo trực tuyến, "dù tôi biết con số cũng khá lớn."
Đông còn cho biết, cha mẹ anh không hề biết đến sự tồn tại của Flappy Bird, cho tới khi báo chí thế giới lẫn trong nước lên cơn sốt về trò chơi này, nhất là sau thông tin nó có thể đem về cho tác giả 50.000 USD mỗi ngày nhờ quảng cáo.
Trước đó, trên Twitter (@dongatory), chàng trai 29 tuổi người Hà Nội nói anh quyết định gỡ Flappy vì nó gây nhiều phiền toái đối với cuộc sống của anh.
Cũng đã có một số trang công nghệ nước ngoài đặt nghi vấn về việc Đông "mượn" hình đồ họa từ trò Super Mario Bros của Nintendo, hoặc anh dùng thủ thuật để "kích" trò chơi lên dẫn đầu bảng xếp hạng App Store.
Nhiều trang mạng tại Việt Nam cũng đã nhanh nhảu dịch lại những thông tin này, kèm nhiều bình luận không mấy thiện cảm dành cho Đông.
Tuy nhiên, trong ngày 10/2, trang công nghệ danh tiếng Kotaku.com - vốn từng nghi ngờ Đông - đã lên tiếng xin lỗi nhà phát triển game độc lập, sở hữu studio .GEARS, này.
Một trang công nghệ nổi khác là Mashable thì khẳng định "thực sự Flappy Bird không phải là một trò lừa đảo mà là một sự kỳ diệu xảy ra hoàn toàn tự nhiên từ một nơi không ai biết đến để rồi tạo nên một thành công tuyệt vời và việc gỡ bỏ khỏi App Store quả là điều cay đắng," bài báo nhấn mạnh.