Theo khảo sát của PV VTC News, thời điểm cận nghỉ lễ 2/9 (chỉ còn cách Tết Trung thu 10 ngày) song nhiều quầy bán bánh trung thu lưu động vẫn ít khách, bán chậm.
Chị Thu Hà, chủ một quầy bánh trung thu hiện đại nằm trên phố Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) rầu rĩ nói: “Mùa bánh năm nay bán cứ lẹt đẹt, hôm được hôm không. Càng gần Trung thu người mua nhiều hơn nhưng so với những năm trước thì tiêu thụ kém hơn nhiều”.
Theo chị Hà, bán nhanh hay chậm, bán nhiều hay ít còn phụ thuộc vào thương hiệu, vị trí đặt quầy hàng và chủng loại bánh, nhưng nhìn chung năm nay bán chậm hơn mọi năm.
Năm nay, chị Hà thầu 3 quầy bánh, một của hiệu Richy và Thu Hương (loại bánh chuyên để biếu tặng), và thêm một quầy Bánh kẹo Hà Nội.
“Dân mình mua về ăn thì không nhiều lắm, họ mua làm quà biếu là chủ yếu. Các dòng bánh cao cấp làm quà biếu tặng lúc đầu bán khá chậm, nhưng khoảng 3 ngày trước nghỉ lễ 2/9 thì bán tốt hơn, mỗi ngày bán được vài chục hộp”, chị Hà cho biết.
Chị Thu Lan, nhân viên bán hàng tại một quầy bánh trung thu ở phố Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) vừa chỉ sang quầy hàng bên cạnh vừa nói: “Năm nay vắng khách lắm! Đấy anh xem, dọc đoạn phố này có đến 5 quầy bánh liền kề nhau, thế mà cả 5 quầy chỉ có một vị khách kìa”.
Sau khoảng 30 phút quan sát, những tiệm bánh trung thu ở khu vực này chỉ đón thêm đúng 1 khách. Việc mua bán cũng không mấy thuận lợi vì vị khách này, dường như chỉ ghé vào các hàng bánh trung thu để tham khảo.
Dọc các con phố Láng Hạ, Chùa Bộc, Trường Chinh, Minh Khai… dễ dàng bắt gặp những quầy bán bánh trung thu của nhiều thương hiệu khác nhau. Nhưng hầu như lúc nào cũng vắng, chỉ lác đác khách ra vào.
Trong khi đó, các tiệm bánh trung thu truyền thống thì ngược lại. Ghi nhận ở một số tiệm bánh trung thu truyền thống tại Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) như Bình Chung, Sinh Hùng, Đinh Tỵ… khách ra vào nườm nượp không ngớt.
Chủ cơ sở Bình Chung cho biết: “May mắn được khách hàng yêu quý, chính quyền địa phương tạo điều kiện nên bánh trung thu năm nay nhà chúng tôi vẫn bán tốt. Dù vẫn chưa phục hồi được bằng so với thời gian trước dịch, thế nhưng chỉ lơ là chút thôi là tôi tính tiền nhầm cho khách ngay, đông quá dễ bị loạn”.
Theo quan sát của phóng viên, từ khoảng 8h, hầu như lúc nào khách hàng cũng xếp kín trước cửa tiệm bánh Bình Chung, 3 nhân viên liên tục gói hàng cho khách.
Còn chủ tiệm bánh Sinh Hùng thì nói: “Người mua ít thì một hộp 4 chiếc, nhiều thì cả chục chiếc. Cứ lâu lâu lại có một tốp khách ập đến, vây kín cửa hàng rồi nhanh chóng rời đi như những cơn mưa rào”.
Trong khi đó, tiệm bánh Đinh Tỵ dù nằm sâu trong con ngõ nhỏ nhưng khách quen vẫn ra vào nhộn nhịp cả một góc phố.
Giá bánh trung thu của các tiệm bánh truyền thống năm nay trung bình dao động quanh mức 35.000 - 60.000 đồng/chiếc, tăng khoảng 5.000 đồng mỗi chiếc so với những năm trước vì vật giá leo thang.
Cô Thu Hằng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nói: “Bây giờ đi chợ, từ rau xanh, thịt cá có cái gì là không tăng giá đâu. Bánh trung thu sử dụng nhiều nguyên liệu và cả nhân công nữa nên tăng 5.000 đồng cũng hợp lý”.
Vì vậy, tôi vẫn mua bánh trung thu truyền thống để giữ gìn hương vị thuần khiết. "Tôi không mua bánh hiện đại vì vị của nó cảm giác không ngon bằng bánh truyền thống. Có chăng chỉ là mua một, hai hộp làm quà biếu vì mẫu mã đẹp. Chứ ăn thì chắc chắn phải ăn bánh truyền thống”, cô Thu Hằng nói.
Chị Kim Tuyến (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đưa ra lựa chọn tương tự: “Hương vị của bánh truyền thống vẫn chứa đựng một điều gì đó rất tuyệt, tựa như “linh hồn” của hương vị Việt vậy. Bánh hiện đại thì hương vị lạ, nhưng giá đắt. Giá trung bình 50.000 - 80.000 đồng/chiếc trong khi bánh truyền thống chỉ khoảng 40.000 - 45.000 đồng”.