Vài năm gần đây, nhu cầu làm đẹp của nhiều người đặc biệt là các cô gái trẻ ngày càng tăng cao, những phương pháp làm đẹp thẩm mỹ không dao kéo như bơm môi trái tim, bơm mũi, bơm cằm... được nhiều chị em lựa chọn. Tuy nhiên, với những phương pháp làm đẹp này ở những cơ sở không uy tín, nhiều người rơi vào tình trạng dở khóc dở cười.
Sau khi bơm, môi chị Mai Dung nổi nhiều cục bên trong. Ảnh NVCC
Chị Mai Dung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, sau khi dùng chất làm đầy tiêm vào môi tại một Spa trên đường Nguyễn Khuyến (Đống Đa, Hà Nội), môi chị có hiện tượng vón cục bên trong, khi ăn có cảm giác đau đớn.
Theo chị Dung, cách đây gần 2 năm, chị đến một cơ sở Spa trên đường Nguyễn Khuyến để tiêm filler tạo môi trái tim với giá 6 triệu đồng/1cc. Sau một năm, môi chị có hiện tượng bị vón thành nhiều cục, không tan. Lúc đầu, chị Mai Dung nghĩ không sao nên để vậy. Sau một thời gian, lúc ăn thấy tức, sờ thấy cục nổi nhiều trên môi nên chị đã đi khám và được bác sĩ cho biết trong môi mình có dạng bị vón thành nhiều cục tròn như viên bi.
Bác sĩ rạch lấy nhiều cục tròn trong môi của chị Dung. Ảnh NVCC
Quá hoảng sợ, chị Mai Dung đã yêu cầu bác sĩ nạo ra luôn. Bác sĩ sờ vào môi chỗ nào có cục thì rạch và gắp ra. Kết quả là gắp 18 cục to tròn. Hiện giờ, môi chị đang rất đau và sưng.
Chi phí chị Dung đi nạo những chỗ vón cục trên môi mất khoảng 8 triệu đồng. Bác sĩ cho biết, dù chị có tiêm tan thì những chỗ vón cục trên môi cũng không hết, thậm chí để lâu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Môi chị Mai Dung bị lõm sâu sau khi lấy "dị vật". Ảnh NVCC
Tương tự, chị Hòa (ở Thái Thịnh, Hà Nội) cho biết, thời gian đầu, môi chị căng mọng như ý, tuy nhiên gần đây xuất hiện những cục lồi lõm trên môi. Chị rất lo sợ nhưng đang nuôi con nhỏ nên chưa thể làm gì. "Cơ sở thẩm mỹ tư nhân kia chắc chắn đã tiêm Silicon cho tôi nên mới bị vậy", chị Hòa nói.
Chị Lê Thủy (ở Long Biên, Hà Nội) cũng tiêm cằm bằng chất làm đầy filler. Hai năm trước, chị Thủy đi tiêm cằm nhưng được hơn một năm vẫn không tan mà còn có nhiều cục li ti chạy lung tung xuống dưới cổ. Gọi điện thắc mắc, chủ Spa bảo quay lại tiêm tan 4 triệu đồng.
Chị Lê Thủy tiêm filler vào cằm cũng bị vón cục và phải đi phẫu thuật để lấy ra. Ảnh NVCC
Cục tròn được bác sĩ lấy ra. Ảnh NVCC
Chị Lê Thủy chia sẻ, do không tin tưởng nữa nên chị đã đi cơ sở thẩm mỹ khác làm nhưng vẫn chưa lấy được hết hạt li ti trên. Cách đây 5 tháng chị phải vào Bệnh viện 108 để lấy ra tiếp. "Mọi người muốn làm đẹp để tiền mà làm phẫu thuật, chọn chỗ uy tín chứ đừng tiêm, không biết thuốc thật giả ra sao nguy hiểm lắm", chị Lê Thủy bày tỏ.
Liên quan đến những thông tin này, bác sĩ Nguyễn Xuân Trừ, Giám Đốc thẩm mỹ Hoàng Tuấn cho biết, filler chỉ là chất làm đầy giúp làm căng phồng da mặt, xóa bọng mắt, xóa nếp nhăn, làm mọng môi, mũi tẹt thành mũi cao… nhưng quan trọng nhất chất tiêm phải là chất gì, nếu là HA thì nó có thể hấp thụ và tự tiêu đi. Còn tiêm silicon hay mỡ nhân tạo thì không bao giờ tan, kể cả tiêm tan.
Chỉ sau một thời gian ngắn, chất làm đầy được tiêm vào các bộ phận cơ thể sẽ vón thành cục, bị dị ứng. Những cục gồ ghề trên môi không chỉ làm mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.
"Các chất filler dởm khi đưa vào cơ thể nhanh chóng bị đông cứng, vón cục. Khi đó, sẽ tạo thành các u xơ, gây méo vẹo lồi lõm ở các vùng bị tiêm, thậm chí có thể gây dị ứng, viêm nhiễm, bội nhiễm, biến chứng hoại tử", bác sĩ Trừ khuyến cáo.
Khi tiêm silicon vào môi, mũi, cằm bị vón cục khó có thể lấy ra hết hoàn toàn được. Bởi không phải tiêm vào chỗ nào là nó chỉ ở nguyên chỗ đấy mà nó còn tràn ra các vị trí xung quanh. Càng để lâu phản ứng viêm càng tăng lên, rất nguy hiểm.
Chất filler khi sử dụng cho khách hàng phải là sản phẩm được cấp phép lưu hành của Bộ Y tế và phải có nguồn gốc nhập khẩu rõ ràng. Cũng theo bác sĩ Trừ, theo đúng quy định, các Spa thông thường không được tiêm chất làm đầy. Dịch vụ này chỉ được làm tại các bệnh viện, phòng khám được cấp phép và người thực hiện kỹ thuật phải có chứng chỉ hành nghề đúng chuyên môn.
*Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.