Nam bệnh nhân 52 tuổi (ở đường An Hòa, phường Mộ Lao, quận Hà Đông) làm nghề bán lòng lợn tiết canh. Hơn 2 tuần trước người đàn ông này bị sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn. Sau 4 ngày tự điều trị tại nhà không đỡ, bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Quân y 103. Kết quả cấy máu cho thấy dương tính với Streptococcus suis - vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết bệnh liên cầu khuẩn lợn không chỉ xảy ra với những trường hợp ăn tiết canh sống, nem sống, thịt tái sống mà cả những người giết mổ lợn, làm thịt lợn, bán thịt… cũng có nguy cơ nhiễm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thịt có mầm bệnh.

Trước đó, trong năm 2022, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 4 ca mắc liên cầu khuẩn lợn (tăng 3 ca so với cùng kì năm 2021).

Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu lây từ lợn. Tỉ lệ tử vong do liên cầu khuẩn lợn gây ra khoảng 7%. “Nếu nhiễm loại vi khuẩn này mà không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai, giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục”, chuyên gia truyền nhiễm cảnh báo.

Vi khuẩn gây bệnh lây từ lợn bệnh sang người gồm 3 thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp mắc ngay từ đầu đã nặng.

Hà Nội: Ca bệnh đầu tiên trong năm lây vi khuẩn từ lợn - Ảnh 1.

Các bác sĩ khuyến cáo cách tốt nhất để tránh lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn là phòng bệnh vì nếu bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến rất nhanh, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng.

Bác sĩ Cấp cho hay hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh, mà chỉ điều trị bằng kháng sinh thời gian dài, kết hợp lọc máu, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn. Bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ có thể phải điều trị ít nhất 3 tuần, bị nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến hai tháng, chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

“Thông thường, vi khuẩn liên cầu khuẩn lợn thường cư trú ở vùng họng của lợn, mà không gây bệnh cho con vật. Do đó, những con lợn này trở thành lợn lành mang mầm bệnh và bệnh chỉ phát ra ở những con lợn có sức miễn dịch yếu. Tỉ lệ mang mầm bệnh liên cầu khuẩn lợn không triệu chứng trong một đàn lợn chiếm 60-100%”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói.

Vi khuẩn gây bệnh liên cầu Streptococcus suis có thể sống ở nhiệt độ 60 độ C trong 10 phút, 50 độ C trong 2 giờ và 10 độ C trong 6 tuần. Do đó, CDC Hà Nội khuyến cáo, cách phòng bệnh tốt nhất là người dân không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín; không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không bảo đảm vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Đặc biệt, người dân không nên sơ chế thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay; rửa tay sạch sau khi chế biến.