Gần 10 ngày qua, số mắc Covid-19 của Hà Nội ở mức cao trên 1.500 ca. Đáng chú ý trong ngày 23/12, TP ghi nhận đến hơn 730 ca cộng đồng trong số hơn 1.700 bệnh nhân. Trong đó, địa bàn ghi nhận nhiều ca cộng đồng là các quận như Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàng Mai.
Hà Nội có thể chạm mốc 2.000 F0/ ngày chỉ trong vài ngày tới
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, việc Hà Nội mở cửa đúng như dự đoán, số ca mắc Covid-19 tăng lên rất nhanh. Thậm chí, có thể lên tới 2.000 ca/ ngày trong một vài ngày tới.
“Hiện nguồn lây trong cộng đồng tại Hà Nội đang ở nguy cơ cao. Chính vì vậy tập trung đông người sẽ tiềm ẩn nguy cơ rất lớn. Người dân có thể hình dung ra trong thành phố nếu tập trung nơi đông người có gặp phải nguồn lây, thậm chí người đang F0 nhưng không biết bởi không có triệu chứng. Như thế dịch Covid-19 sẽ khuếch đại rất lớn nếu tập trung đông người”, ông Nhung nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, dịp Noel và Tết Dương lịch đang kề cận việc mọi người dân không tụ tập, thực hiện theo chủ trương phòng chống dịch của thành phố coi như đã đóng góp sức mình trong việc chống dịch của TP cũng như cả nước.
“Ngay như thực trạng tại các xã, phường trên địa bàn thành phố việc chuẩn bị điều trị F0 tại nhà, tại cơ sở đang trong quá trình hoàn thiện, chưa phải đã có hiệu quả. Chính vì vậy chúng ta phải cùng chính quyền, ngành y tế làm sao kiểm soát dịch.
Tôi đánh giá 3 từ quan trọng nhất đó là chung sống, thích nghi và an toàn với Covid-19. Có 2 điểm quan trọng đó là hạn chế tối đa tử vong, thứ 2 là dập từng ổ dịch một cách triệt để. Việc này để hạn chế tối đa việc lây nhiễm cộng đồng để hạn chế số ca.
Nếu Hà Nội có số ca mắc lên hơn 3.000 bệnh nhân mỗi ngày chắc chắn sẽ quá tải hệ thống y tế. Nếu quá tải thì số tử vong cao, khi đó có nghĩa sẽ hoảng loạn, đi vào vòng xoáy mà TP.HCM đã gặp phải mà chúng ta không muốn”, ông Nhung nêu.
Người dân không được chủ quan vì đã tiêm vaccine, cần hạn chế đi chơi dịp lễ năm nay
Lý giải tại sao số ca mắc tại Hà Nội liên tục đứng đầu cả nước những ngày gần đây, ông Nhung cho rằng việc thành phố mở cửa, dân số đông đương nhiên sẽ phải chấp nhận thực trạng ca mắc nhiều.
“Nếu điều trị tốt cho F0 sẽ không dẫn tình trạng vào viện nhiều, y tế cũng sẽ không quá. Theo tôi hiện thành phố cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở phòng chống dịch. Trạm y tế lưu động có khả năng thu dung những ca không có điều kiện cách ly tại nhà nhưng chủ yếu vẫn điều trị tại nhà sẽ tốt nhất.
Tuy nhiên một số trường hợp không đủ điều kiện sẽ có mô hình trạm y tế lưu động mà rất nhiều phường xã làm ở trường mầm non có thể được”, ông Nhung chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, trong dịp lễ Noel và Tết Dương lịch này, người dân không nên tập trung nơi đông người, hạn chế đi lại, tiếp xúc gần trong môi trường kín. Đặc biệt, hạn chế thăm hỏi, một số hoạt động nếu đông người nên qua hình thức trực tuyến.
“Điều quan trọng nhất lúc này hạn chế số ca mắc Covid-19, tập trung điều trị cho những bệnh nhân nếu chuyển biến nặng sẽ không tử vong. Tôi khuyên dịch bệnh phức tạp người dân không nên tập trung nơi đông người, tuân thủ các biện pháp 5K”, ông Phu cho hay.
Cũng theo ông Phu, khi TP thực hiện chính sách nới lỏng, sống chung an toàn với Covid-19 thì việc tăng số ca bệnh là điều dễ hiểu. Đây là điều chúng ta buộc phải chấp nhận. Người dân không nên quá lo lắng, hoang mang khi con số này tăng từng ngày mà phải xác định phòng bệnh là chính, không bao giờ được chủ quan.
"Người dân không được nghĩ mình đã tiêm vaccine hay có xét nghiệm âm tính là cho phép bản thân chủ quan, không thực hiện 5K. Nhiều trường hợp nhiễm virus nhưng không có triệu chứng. Vì thế, trong giao tiếp, tiếp xúc hằng ngày rất khó để biết được liệu người đối diện hay bản thân mình có mang mầm bệnh hay không", TS Phu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, những hoạt động tập trung đông người như liên hoan, đám tang, đám cưới, nhà thờ... sẽ là môi trường thuận lợi để virus SARS-CoV-2 lây lan.
"Trong dịp lễ Giáng sinh, năm mới, để hạn chế lây nhiễm người dân nên hạn chế các hoạt động đi chơi, hoạt động tôn giáo tụ tập đông người, hạn chế tiếp xúc gần. Trong môi trường kín, đông người như nhà thờ, virus rất dễ lây lan", TS Phu cho biết.