Trong tổng số 20 trường hợp mắc COVID-19 tại Hà Nội, có 10 ca ở quận Nam Từ Liêm, 4 ca ở Mê Linh, 3 ca ở quận Cầu Giấy, 2 ca ở Đông Anh và 1 ở quận Hai Bà Trưng. 

Như vậy, tính từ các trường hợp công bố đầu tiên trong đợt dịch này, chỉ sau 5 ngày, dịch đã có dấu hiệu lây nhiễm nhanh trong cộng đồng. Đáng chú ý có 1 ca "siêu lây nhiễm", đó là bệnh nhân nam 1694 lây nhiễm từ 1 bệnh nhân ở Hải Dương đã lây cho 5 thành viên trong gia đình (gồm vợ, con trai, bố vợ, mẹ vợ và em vợ) và 3 đồng nghiệp làm việc tại nhà máy Z153 tại Đông Anh, Hà Nội. 

Hà Nội đã rà soát gần 16.000 trường hợp đi về từ vùng dịch và truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, chuyển cách ly tập trung hơn 400 trường hợp F1. Còn hơn 2.000 trường hợp F2, hiện đang cách ly tại nhà. Đặc thù người dân sống tại Hà Nội có mối quan hệ mật thiết với các tỉnh có ổ dịch và có hành trình đi lại hết sức phức tạp.

Để làm rõ về nguy cơ cũng như những cảnh báo về dịch bệnh COVID-19 ở Thủ đô, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

Trước câu hỏi, Hà Nội có nên tổ chức xét nghiệm trên diện rộng để phát hiện sớm các trường hợp mắc không? PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết: "Việc xét nghiệm trên diện rộng là vấn đề hết sức cần thiết. Các bạn biết là Trung Quốc xét nghiệm 1 triệu mẫu một ngày. Nhưng chúng tôi muốn nói rằng là xét nghiệm trên diện rộng có chỉ định, nghĩa là xét nghiệm nhiều đấy nhưng mình phải chỉ định những vùng có nguy cơ, chứ không phải là xét nghiệm một cách bừa phứa".

Hà Nội cần thiết tổ chức xét nghiệm trên diện rộng để phát hiện sớm các trường hợp mắc COVID-19