Tại thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội, có 1 một Bảo tàng rất đặc biệt, đó là Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Cách trung tâm Hà Nội đến 40km, di chuyển bằng xe máy mất gần 2 tiếng đồng hồ nếu không thạo đường nhưng hàng tuần, rất nhiều du khách vẫn vượt đường xá xa xôi đến tham quan.

Bảo tàng chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày
Bảo tàng tư nhân của những "nhân chứng lịch sử"
Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày được thành lập từ tháng 12/2004, với diện tích gần 2000 m2, trong khuôn viên rợp bóng mát cây xanh của gia đình ông Lâm Văn Bảng - Giám đốc Bảo tàng, đồng thời là Phó Ban liên lạc nhà tù Phú Quốc.
Bảo tàng do Ban liên lạc nhà tù Phú Quốc, điển hình là các ông Lâm Văn Bảng, Chu Hữu Ngọc, Nguyễn Ngọc Dư, Nguyễn Huy Phan, Nguyễn Văn Cử (Hà Nội); Nguyễn Văn Truyền, Nguyễn Văn Thử (Hà Nam); Út Long, Dương Văn Kế (Thành phố Hồ Chí Minh),... xây dựng.

Ông Lâm Văn Bảng (áo trắng) tại Bảo tàng
Suốt nhiều năm, những người cựu tù đã bỏ thời gian, công sức, tiền của để tìm kiếm, sưu tầm, trưng bày những hiện vật, chứng tích tội ác chiến tranh ở nơi được gọi là "địa ngục trần gian". Thời điểm mới thành lập, Bảo tàng có hơn 2.000 hiện vật, kỷ vật, hình ảnh của các chiến sĩ, đồng đội trao tặng lại.
Khi nghe tin Bảo tàng được thành lập, ban đầu là đồng đội, sau đó là du khách khắp nơi trong và ngoài nước về tham quan, tìm hiểu, qua đó đã gửi gắm được phần nào cho mọi người thấy được giá trị cuộc sống. Đến nay, Bảo tàng đang trưng bày, lưu giữ và tái hiện hơn 4.000 hiện vật.

Một số hiện vật tại Bảo tàng
Tim lặng, nước mắt rơi khi bước chân vào Bảo tàng
Giống nhiều Bảo tàng khác, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày cũng mở cửa từ Thứ hai đến Chủ nhật, trong khung giờ 8h-16h30. Tuy nhiên nếu đến vào Thứ Bảy, Chủ nhật, bạn nên hẹn trước để nhân viên Bảo tàng có thể tiếp đón thuận tiện hơn.
Ngay từ khi bước chân vào cổng Bảo tàng, du khách đã cảm thấy rưng rưng, xúc động bởi không khí linh thiêng ở nơi đây. Bảo tàng có 9 phòng, theo thứ tự từ 1-9. Trước khi vào từng phòng tham quan, du khách sẽ được nhân viên dẫn đi thắp hương tại đền thờ các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh ở Phú Quốc.
Ngôi đền được đặt dưới ao nước, tượng trưng cho hòn đảo giữa muôn trùng biển cả, còn nhịp cầu nối liền với đền thờ là sự giao hoà của âm dương. Đất thiêng được lấy từ đảo tù, chân hương trên bát nhang được lấy từ Đá Chông - Ba Vì, nghĩa trang Trường Sơn đại ngàn, nghĩa trang Điện Biên lịch sử, thành cổ Quảng Trị anh hùng, Bến Được, Củ Chi, luỹ thép,...
Đến từng phòng tham quan, du khách lặng người khi nhìn thấy những hiện vật lịch sử, những dụng cụ mà quân địch từng dùng để tra tấn người tù. Đó là chiếc "chày sầu đời", "vồ biệt ly" - vì bị đánh là đau đớn, sầu đời; là "roi cá đuối" - khi bị quất vào người thì từng mảnh da thịt cũng rứt ra theo, máu chảy ròng ròng; là vỉ sắt - người tù bị bắt phải lăn lộn lên; là cùm sắt trĩu nặng người tù phải đeo đến còm cõi cả người; là gậy đục răng, "chảo luộc người"; là những chiếc răng bị đục, người tù nén đau giữ lại để tố cáo tội ác chiến tranh,...





Những hình ảnh khiến du khách "thắt tim"
Trong những năm tháng ấy, dù phải hứng chịu đủ đòn tra tấn dã man, tàn bạo nhưng người tù vẫn giữ vững tinh thần cách mạng, một lòng sắc son với lý tưởng, với đất nước.
Rất nhiều hoạt động đấu tranh đã diễn ra. Bọn chúa đảo, cai ngục khiếp vía trước tinh thần quật cường ấy, đã tìm mọi cách tra tấn khủng khiếp hơn nhằm dập tắt tinh thần của người cách mạng.
Biết bao chiến sĩ đã đổ máu, hy sinh. Nhưng người này ngã xuống, người kia lại đứng lên, tinh thần yêu nước của người tù như sóng biển, sóng sau xô sóng trước!



Đòn roi của quân thù không làm nhụt được ý chí người cách mạng
Ngay cả khi bị giam cầm, người tù vẫn sinh hoạt Đảng. Tại phòng số 8, du khách có thể tham quan những hình ảnh, tài liệu về sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng nhà tù. Người tù tự tạo cờ Đảng, cờ Đoàn, tự chế tạo những dụng cụ sinh hoạt hàng ngày như lược chải đầu, kim châm cứu, bấm móng tay, các tập thơ tự viết,...
Ngoài những hiện vật về cuộc sống lao tù ở Phú Quốc, Bảo tàng cũng trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh như: báo Người cùng khổ, Nhật ký trong tù, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Tuyên ngôn độc lập, Thư gửi quốc tế cộng sản, gửi đồng chí Lê Duẩn, gửi giáo viên bổ túc văn hoá và những suy nghĩ của Người về lợi ích mười năm trồng người,... Cùng với đó là những hình ảnh đẹp về Bộ đội Cụ Hồ như chiếc áo chấn thủ, bi đông, gậy tầm vông, mũ tai bèo, gậy "xẻ dọc Trường Sơn",...
Đặc biệt, Bảo tàng còn có mô hình tái hiện lại chi tiết các khu, buồng tại nhà tù Phú Quốc, giúp du khách hình dung rõ hơn nơi từng được gọi là "địa ngục trần gian".

Một du khách đang xem mô hình nhà tù Phú Quốc
Ngồi nghe "chứng nhân lịch sử" kể chuyện
Ông Lâm Văn Bảng - Giám đốc Bảo tàng, năm nay đã ngoài 80 tuổi. Năm 1965, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Bảng lên đường nhập ngũ. Năm 1968, ông bị địch bắt và giam cầm ở nhà lao Biên Hòa rồi đày ra Phú Quốc. Trong suốt 5 năm tù đày, ông Bảng và những đồng đội của mình bị địch hành hạ, tra tấn dã man.
Tuy nhiên, những đòn roi của kẻ thù không thể làm nhụt chí tinh thần người cách mạng. Trong gian khó, ông và đồng đội đùm bọc nhau, kiên cường đấu tranh với kẻ địch để bảo vệ khí tiết của "Bộ đội Cụ Hồ".
Dẫu có bị đánh rách da, rách thịt, những người chiến sĩ dặn lòng quyết không bị địch chuyển hoá, không biến thành nô lệ và tay sai của địch.
Sau năm 1973, ông Lâm Văn Bảng và nhiều đồng đội được trao trả theo Hiệp định Paris. Trở về cuộc sống đời thường, những ký ức thời chiến, về những người đồng đội đã ngã xuống, đã không may mắn được trở về vẫn khiến ông đau đáu. Chính những điều đó thôi thúc ông phải làm gì đó để lưu giữ lại những năm tháng chiến tranh, thể hiện lòng tri ân đến những người đã ngã xuống, đồng thời nhắc nhở thế hệ mai sau giá trị của hoà bình.
Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ra đời từ đó.

Vết thương cũ trên tay ông Lâm Văn Bảng
Hiện tại, sức khoẻ của ông Bảng đã yếu đi nhiều. Những vết thương do địch tra tấn và khi chiến đấu, cộng thêm tuổi già khiến mỗi bước đi của ông trở nên khó nhọc. Tuy vậy, ở người cựu tù ấy vẫn tồn tại tinh thần mạnh mẽ của Bộ đội Cụ Hồ.
Ông cùng các nhân viên Bảo tàng đón nhiều đoàn khách cả trong nước và quốc tế đến tham quan. Hàng năm, tại địa phương, ông vẫn tổ chức nói chuyện với học sinh để giáo dục các em lòng yêu nước, để các em hiểu hơn về một trang sử hào hùng của dân tộc.
Với mỗi du khách đến tham quan, chỉ cần có bất kỳ câu hỏi gì, ông đều sẵn sàng giải đáp thắc mắc.
Trên chiếc bàn đá giữa khuôn viên Bảo tàng, dưới bóng cây rợp mát, người cựu tù ngoài 80 nhấp ngụm trà mạn, thong thả kể lại chuyện năm xưa. Kết thúc mỗi buổi trò chuyện, ông thường nhắc nhở chân tình thế hệ trẻ:
"Hoà bình hôm nay tươi đẹp lắm, các cháu phải biết trân trọng và giữ gìn"...
