Trường học trên đồi có kiến trúc vô cùng đặc biệt
Maya School là một ngôi trường liên cấp theo triết lý Montessori, rộng tới 10ha. Bước qua cánh cổng, ta sẽ thấy những lớp học mái lá, tường đá ong, nhiều không gian học tập với nhà đất trình tường nằm đan xen trong những khoảng xanh mát bao bọc bởi cây cối và núi rừng.
Tất cả đều toát lên một tinh thần rất tự nhiên nhưng ít ai biết được mỗi sự sắp đặt tưởng chừng như rất tự nhiên đó đều mang ẩn ý riêng. Từ tinh thần giáo dục “follow the child”, Nhà trường tạo nhiều không gian mở và hệ thống Xưởng thực hành đa dạng, tạo cho trẻ những điều kiện đa dạng và tự nhiên để bộc lộ, theo đuổi thiên hướng cá nhân của mình.
Chương trình giáo dục từ cấp tiểu học tới trung học ở ngôi trường đặc biệt này không hướng tới điểm số trong các bài kiểm tra mà đưa học sinh tới với một chương trình giáo dục giàu tính thực hành vì mục tiêu chuẩn bị cho đời sống thực tế khi các em trưởng thành.
Sân chào cờ của trường sẽ là chiếc sân cỏ mát mắt với view núi đồi mà không ở đâu có. Nhà ăn cũng là hệ thống nhà mái lá với khoảng không gian mở tràn ngập màu xanh của thiên nhiên.
Dù trường hiện đại có bảng menu điện tử chọn món không khác gì McDonald để học sinh có thể tự lựa chọn bún, phở, cơm gà hay cơm cá... nhưng không gian thì vô cùng thân thiện, nơi không có máy lạnh nhưng các em có thể ngồi bên nhau với những kết nối xã hội rất tự nhiên để cảm nhận thiên nhiên và sự mát mẻ từ gió trời.
Ở đây không có những dãy phòng học như bất kỳ ngôi trường nào khác mà để đáp ứng chương trình học phong phú, các em buộc phải di chuyển để tới các không gian học tập khác nhau: các lớp học học thuật, các Xưởng thực hành: nấu ăn, nghệ thuật, gốm, may - thêu - đan, mộc, tự động hóa, nông trại hay xưởng chế biến thảo mộc hoặc các CLB thể thao - Nghệ thuật trải khắp không gian xanh bao la của trường.
Có một điều đáng nói là các không gian học tập ngăn nắp và xinh đẹp, vượt xa những điều ta có thể tưởng tượng về các lớp học. Lối kiến trúc đi lên theo những thang bậc với mái lá và tường đá ong cũng như những ô cửa nhìn ra mảng xanh rộng lớn khiến ai cũng tưởng tượng đến một khu resort trong mơ.
Học trò ở đây được tôn trọng để thể hiện tư tưởng và quan điểm nên các em luôn tự tin được là chính mình. Khi tôi đến thăm trường, một cậu bé đến từ nông trại Lá Mây đang mời khách hàng (là cô phụ trách truyền thông) mua rau mầm từ dự án trồng rau mầm mà cậu đang tham gia: "Con chỉ còn 3 lạng và con quyết định bán giảm giá, bình thường còn bán 30 ngàn, giờ con có thể giảm giá 50 ngàn nếu cô lấy hết ạ".
Cậu bé đã trò chuyện với cô về giá cả và áp dụng cả chiêu khuyến mại để bán hết số rau. Kết quả là cậu nhảy chân sáo vì biết mình đã thuyết phục được cô giáo mua tất cả số món hàng còn lại.
Với 8 xưởng thực hành bao gồm: Nông trại Lá Mây, Xưởng chế biến thảo mộc, xưởng mộc, xưởng gốm, xưởng thủ công,... học trò sẽ leo đồi để tới các xưởng làm việc 2 buổi chiều trong tuần. Hoạt động thực hành trong các Xưởng không phải là những trải nghiệm ngắn mà học sinh tới đây sẽ được hướng dẫn làm việc thực thụ trong suốt một kỳ học. Cuối mỗi kỳ học kéo dài 5 tháng, thành quả sau thời gian miệt mài lao động thường là những buổi hội chợ hoặc triển lãm để vừa báo cáo kết quả dự án vừa bán hàng để thu tiền trả lương nhân công vào có lợi nhuận.
Học sinh tiểu học làm việc trong Xưởng như những người thợ, được trả công khi tham gia các dự án sản xuất do các anh chị khối THCS quản lý. Học sinh THCS hoạt động trong Xưởng như những người chủ dự án. Các em nghiên cứu nhu cầu thị trường, lên kế hoạch dự án, gọi vốn đầu tư từ Nhà trường, thuê nhân công, sản xuất mẫu thử, đánh giá sản phẩm mẫu, sản xuất hàng loạt, bán hàng,... Nói chung là tất cả hoạt động tổ chức điều hành, hạch toán doanh số để mang lại lợi nhuận, trả được lương cho nhân công của xưởng và đánh giá lại dự án của mình vào cuối mỗi kỳ.
Thế mới có chuyện trong một buổi phỏng vấn nhân công, "ông chủ" đã hỏi rằng: "Em tham gia môn thể thao ngoài trời gì?" - Một câu hỏi khiến thầy cô tò mò và đã hỏi lý do khi em học sinh THCS đặt câu hỏi cho các em nhỏ tiểu học. “Ông chủ” dự án của Xưởng Lá Mây chia sẻ: Làm việc trong nông trại là phải hoạt động chân tay vất vả, thường xuyên làm việc ngoài trời, mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng, nên người được thuê phải thích chơi các môn thể thao ngoài trời mới có đủ sức khỏe để làm việc chất lượng trong nông trại.
Tại xưởng thủ công, nơi nhà xưởng có mái che bằng lá, cột kèo bằng tre và tường là nhà đất trình tường để mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Cô chủ xưởng là người tốt nghiệp ĐH Mỹ Thuật và đã có nhiều năm lăn lộn làm nghề - cô Trang nhận lời về trường và tiếp quản xưởng thủ công cũng vì quá yêu tư duy giáo dục của một ngôi trường “không giống ai” này.
Đón lớp học trò ùa vào mướt mải mồ hôi vì phải leo đồi, nhắc học trò xếp nón lá gọn gàng rồi bắt tay vào việc tại xưởng, cô Trang lại tỉ mỉ nhắc từng em về đường kim, mũi chỉ sao cho đường thêu tinh tế nhất. Tuy nhiên, cô Trang cho biết: "Mình cũng chấp nhận để học trò có quyền làm sai để biết tự rút kinh nghiệm và tìm ra cách làm đúng hơn".
Hướng tới trang bị 16 kỹ năng và năng lực của thế kỷ XXI mà rất nhiều trường học cũng đang chia sẻ, ở đây chương trình giáo dục có các môn học và hoạt động cụ thể, được triển khai liên tục trong 3 năm học vừa qua, không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức, mà quan trọng hơn là đem đến cơ hội để các em có những kết nối xã hội thực tế với nhiều nhóm tuổi, nhóm năng lực và đam mê khác nhau, cùng nhau nghiên cứu, học tập và trải nghiệm thực tế, giúp các em làm chủ các kỹ năng này.
Khác với các trường học truyền thống, chương trình học tập dành tới 40-50% thời lượng hướng tới việc thông qua các hoạt động thực hành, thể chất và nghệ thuật, các em học tập để chuẩn bị cho đời sống thực tế với năng lực ứng phó linh hoạt trước tương lai biến động ngày nay.
Học phí đắt đỏ cho những giọt mồ hôi leo đồi
Maya có mô hình 1 trường học không ở đâu có, giữa không gian 10ha địa hình đa dạng bao quanh là cây xanh và núi đồi. Hệ thống phòng học, nhà xưởng và cảnh quan vô cùng ấn tượng khiến ai bước chân tới cũng phải trầm trồ về một ngôi trường độc lạ mang trong mình triết lý giáo dục thuận theo năng lực và đam mê của trẻ một cách tự nhiên.
Nơi học sinh tới trường mà có cảm giác như ở nhà mình và tự tin rằng mình là một thành viên của cộng đồng, được học tập theo tốc độ và mối quan tâm của mình, dù là "người thợ" hay "ông chủ" thì luôn trách nhiệm và thực tế. Các em cũng luôn được cảm thấy tự hào vì đóng góp phần công sức vào xây dựng cộng đồng nơi đây.
Một chương trình học tập như vậy, cho tôi một niềm tin rằng giáo dục chuẩn bị cho đời sống thực tế tương lai của các em không thể đóng khung trong một khuôn mẫu hay các bài kiểm tra mà thật sự là điều đang diễn ra trước mắt tôi, không hề xa vời.
Không biết có phải vì yêu cảnh quan của nhà trường hay vì phương pháp giáo dục đặc biệt hoặc có khi tại cả 2 mà cha mẹ học trò thực tế cũng đa phần là doanh nhân. Họ sẵn sàng trả một mức học phí trên 200 triệu/năm để đổi lại cho con cái mình những bài học từ giọt mồ hôi leo đồi, những bàn tay lem luốc khi thực tập tại những nhà xưởng thực tế và cả những áp lực bán hàng kiếm tiền, để dù làm thợ, hay làm chủ cũng cần những trải nghiệm nghiêm túc, liên tục trong nhiều năm để giúp con trưởng thành. Điều mà ai đến thăm Maya đều phải thốt lên "một cách học, một không gian học tập quá khác biệt"!