SCOLI là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh sự chênh lệch giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và giữa các vùng kinh tế - xã hội trong thời gian nhất định, thường là 1 năm.
SCOLI là thước đo phản ánh xu hướng, mức độ biến động giá sinh hoạt của 63 tỉnh, thành và 6 vùng kinh tế - xã hội theo chu kỳ hằng năm. Thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng được lấy làm gốc để so sánh, được tính là 100%.
Theo Tổng cục Thống kê, thứ tự chỉ số SCOLI giữa các vùng kinh tế - xã hội năm 2023 không biến động nhiều so với năm 2022. Cụ thể, vùng đồng bằng sông Hồng tiếp tục giữ vị trí có giá cả đắt đỏ nhất nước. Xếp thứ hai là vùng Đông Nam Bộ với chỉ số SCOLI năm 2023 bằng 99,97% so với đồng bằng sông Hồng, tiếp theo là vùng trung du và miền núi phía Bắc với 99,86%, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 98,08%, Tây Nguyên 97,67% và cuối cùng là ĐBSCL 95,93%.
Trong 63 tỉnh, thành phố, Hà Nội dẫn đầu về giá cả sinh hoạt đắt đỏ nhất nước năm 2023. Hà Nội tiếp tục là địa phương nhiều năm giữ vị trí này. TP HCM đứng thứ 2 với chỉ số SCOLI bằng 98,44% so với Hà Nội. Địa phương có chỉ số thể hiện mức giá cả sinh hoạt rẻ nhất nước là Bến Tre với 85,93%.
Để hình thành chỉ số SCOLI, có tất cả 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ được xem xét, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón và giày dép; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; giao thông; bưu chính viễn thông; giáo dục; văn hóa, giải trí và du lịch; hàng hóa và dịch vụ khác. Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như: may mặc, mũ nón và giày dép; văn hóa, giải trí và du lịch; hàng ăn và dịch vụ ăn uống; thiết bị và đồ dùng gia đình.
Hà Nội là địa phương đắt đỏ nhất nước bởi nhiều yếu tố. Trong đó, những yếu tố khách quan gồm: Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội, tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao; là đầu mối dịch vụ, thương mại phát triển nhanh, năng động; xa nơi cung cấp nhiều hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng hằng ngày như lương thực, thực phẩm…
Tuy nhiên, bên cạnh đó là những yếu tố chủ quan, từng được chỉ ra từ các năm trước, khi Hà Nội trở thành địa phương có giá cả sinh hoạt đắt đỏ nhất nước. Trong đó, hệ thống phân phối ở Hà Nội chưa theo kịp sự phát triển; nguồn hàng và chuỗi cung ứng chưa thực sự phát triển; các quỹ bình ổn chưa hiệu quả…
Việc giá cả đắt đỏ nhất nước là một trở lực đối với du lịch, đầu tư…, nhất là đời sống của những người làm công ăn lương ở Hà Nội. Vì thế, cơ quan chức năng địa phương cần xem xét thấu đáo, sớm có giải pháp để giá cả sinh hoạt rẻ hơn; còn cái gì không thể rẻ mà thật sự có giá trị thì phải "đắt xắt ra miếng".