Ngày 8-4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 1-4 đến hết ngày 7-4), toàn thành phố có thêm 83 ca mắc sởi, tăng 4 ca so với tuần liền trước; 13 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 7 ca; 10 trường hợp mắc tay chân miệng, giảm 8 ca; 2 ca mắc ho gà, giảm 1 ca.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 716 ca mắc sởi. Bệnh nhân phân bố tại 279/584 xã, phường thuộc 30/30 quận, huyện. Trong 3 tháng đầu năm 2019, cả nước đã ghi nhận hơn 47.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 2 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số người mắc sốt xuất huyết tăng 3,7 lần.

Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Long Biên, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy là những quận, huyện có nhiều ca mắc sởi.

Về bệnh sốt xuất huyết, năm nay, dịch bệnh này có xu hướng đến sớm hơn. Vì thế, đến thời điểm này, toàn thành phố đã ghi nhận 167 mắc. Bệnh nhân phân bố tại 107 xã, phường thuộc 27/30 quận huyện.

Ổ dịch sốt xuất huyết mới xuất hiện là tại phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây. Trước đó, bệnh nhân đã đi du lịch Đà Nẵng về.

Trong tuần qua, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị đã tăng cường công tác giám sát côn trùng và giám sát véc tơ truyền bệnh. Qua giám sát tại 15 điểm nguy cơ cho thấy, 14 điểm giám sát có chỉ số dưới ngưỡng nguy cơ. Việc giám sát vệ sinh môi trường và các yếu tố nguy cơ gây dịch cũng được chú trọng. Các đơn vị thực hiện giám sát 6 trường thuộc khối trường đại học tại 3 quận, huyện: Cầu Giấy, Đống Đa, Thạch Thất qua đó phát hiện 1 trường có dụng cụ chứa nước có bọ gậy. Các địa phương tiếp tục thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết.

Hà Nội ghi nhận thêm ca mắc sởi và sốt xuất huyết: Người dân thận trọng với các yếu tố nguy cơ bệnh phát sinh - Ảnh 1.

Huyện Thanh Trì phun hóa chất phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: MT

PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, các yếu tố nguy cơ để sốt xuất huyết phát sinh, phát triển thành dịch luôn hiện hữu, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng, tạo thành nơi muỗi đẻ trứng.

Thêm vào đó, thời tiết lúc giao mùa nền nhiệt và độ ẩm tăng, cùng với mưa nhiều... là điều kiện lý tưởng cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Qua giám sát tại 38 điểm nguy cơ gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tuần qua cho thấy, chỉ số lăng quăng, bọ gậy và muỗi truyền bệnh ở một số nơi có dấu hiệu gia tăng.

Trong nỗ lực đẩy lùi sốt xuất huyết của ngành Y tế, biện pháp phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành chỉ là giải pháp tình thế, còn biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy mới được coi là giải pháp bền vững. Tuy nhiên, giải pháp này khó mang lại hiệu quả, nếu không có sự tham gia tích cực của cộng đồng.

Hiện tại đang vào giao mùa thuận lợi cho muỗi phát triển, tại các khu vực nội thành, nhất là ở những nơi công trình đang xây dựng, nơi có khu thuê trọ do đông người, điều kiện vệ sinh môi trường kém, không xử lý các ổ bọ gậy thường xuyên, muỗi vẫn tiếp tục sinh sản, phát triển và truyền bệnh. Vì vậy, người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong việc phòng chống sốt xuất huyết nói riêng và các dịch bệnh khác nói chung. Khi có triệu chứng của sốt xuất huyết, mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị kịp thời.

Trong giai đoạn giao mùa, để nâng cao thể trạng, phòng chống bệnh dịch trong giai đoạn giao mùa, mọi người cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, lưu ý, vệ sinh môi trường trong phòng, chống sốt xuất huyết có yêu cầu cao hơn. Ngoài việc làm cho đường thông, hè thoáng, vườn, cổng ngõ sạch đẹp, tinh tươm thì vệ sinh môi trường trong phòng, chống sốt xuất huyết còn chú trọng đến những chi tiết, vật dụng nhỏ như vỏ lon nước ngọt bị bỏ quên, mảnh chén, bát vỡ mấy ngày chưa dọn, một chiếc lốp xe cũ treo ngoài hàng rào, một xô nước không được đậy kỹ, một bể chứa nước không có nắp đậy…