Theo thông tin từ một số phụ huynh, ngày 14/8 nhiều gia đình nhận được thông báo từ nhà trường về việc một số học sinh bị phản ứng thuốc muỗi gây mẩn ngứa.
Theo đó, nội dung thông báo như sau: "Nếu học sinh nào mẩn ngứa nhiều cô giáo cho nghỉ học buổi chiều. Bố mẹ tra thuốc mắt cho các con. Nếu ngứa thì chườm đá! Trong trường hợp mẩn mề đay thì cho uống thuốc dị ứng! Rất mong các vị phụ huynh thông cảm và theo dõi sức khỏe của các con" – trích nội dung thông báo.
Thông báo của nhà trường gửi đến các phụ huynh
Thông báo trên của trường THCS Quang Trung đã thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh trường này và các gia đình có con em đang theo học trên địa bàn Hà Nội.
Liên quan đến thông tin trên, sáng 15/8 chúng tôi đã có cuộc trao đổi với thầy Nguyễn Văn Tùng – Phó hiệu trưởng, phụ trách Trường THCS Quang Trung.
Thầy Tùng xác nhận: "Thứ 2 đầu tuần (14/8) khi các em đi học buổi sáng sau đó, tại lớp 9A4 và 7G2 có khoảng 10 em học sinh bị dị ứng, ngứa tay hoặc cay mắt. Ngay lập tức tôi cùng với giáo viên chủ nhiệm đến kiểm tra tình hình và gọi điện thông báo cho phụ huynh các em ".
Nơi các em học sinh mới được phun thuốc muỗi phòng tránh dịch sốt xuất huyết
Lãnh đạo nhà trường cũng cho biết nhận định nguyên nhân ban đầu: "Vào khoảng 15h thứ Sáu tuần trước (11/8) nhà trường tổ chức phun thuốc diệt muỗi tại tất cả các phòng học để chống dịch sốt xuất huyết. Đơn vị phun thuốc là đơn vị có uy tín hàng đầu về phòng chống dịch, các anh ấy đã tính toán rất kỹ, rất cẩn thận, loại thuốc nhập ngoại cũng có chất lượng tốt nhất trên thị trường. Cũng có thể vậy mà thuốc còn lưu lại trên tường, sau đó các em học sinh va quệt vào nên đã bị như vậy".
Theo thầy Tùng, trước đó các nhân viên y tế sau khi phun thuốc cũng đã hướng dẫn nhà trường cách vệ sinh để đảm bảo an toàn cho học sinh.
"Theo hướng dẫn, sau khi phun thuốc khoảng 1 tiếng đồng hồ, nhà trường sẽ mở hết cửa sổ, lau sạch bàn ghế. Lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo các nhân viên vệ sinh, bảo vệ lau dọn toàn bộ để chuẩn bị đón các em học sinh vào đầu tuần… Tuy nhiên, có thể vì khi phun thuốc, các nhân viên làm rất cẩn thận vào các kẽ, ngóc ngách và trên tường nên chưa bay hết…". thầy Tùng nhận định.
Theo lãnh đạo nhà trường, tất cả những nơi đọng nước, ẩm ướt đều đã được phun thuốc muỗi
Lãnh đạo nhà trường cũng cho biết thêm, ngay sau khi phát hiện sự việc, nhà trường thông báo cho đơn vị phun thuốc. Sau đó, các chuyên gia của đơn vị này cùng bác sĩ đã hướng dẫn cho phụ huynh và học sinh dùng nước muối tra mắt và đá lạnh chườm vào những vị trí bị ngứa. Làm theo hướng dẫn đó các em học sinh đã hết hiện tượng nêu trên.
Thầy Tùng thông tin thêm, đến sáng nay (15/8) đã có 7 em học sinh trong số nói trên đã đi học. Còn 3 em học sinh khác được các phụ huynh xin phép nghỉ hết hôm nay. Phía nhà trường đã phối hợp với các gia đình và giáo viên chủ nhiệm thường xuyên thăm nom các em học sinh.
Tính đến sáng nay chỉ còn 3 em học sinh chưa đến trường
Dị ứng đối với các cơ địa nhạy cảm
TS Nguyễn Nhật Cảm, GĐ Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho hay, sau khi phun hoá chất diệt muỗi thì có thể gây dị ứng cho nhiều trường hợp. Hầu hết các trường hợp đều chỉ bị nhẹ và sẽ tự khỏi, rất ít trường hợp nặng.
Theo ông Cảm, nếu người bị dị ứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn... thì cần đưa ngay đến các cơ sở y tế.
"Với người có cơ địa nhạy cảm thì ăn thức ăn, thời tiết thay đổi cũng có thể dị ứng, nên rất có thể bị dị ứng khi tiếp xúc với hóa chất. Do đó để đảm an toàn cho học sinh, cán bộ, nhân viên Nhà trường, thì ít nhất sau khoảng 2 – 3 tiếng sau khi phun thuốc phải mở cửa phòng, lau chùi bề mặt bàn ghế, và sàn nhà, phòng học để phòng tránh tốt nhất tác dụng phụ của thuốc", ông Cảm nói.