Ngày 6/5, tại buổi giao ban công tác tháng 5 của UBND Hà Nội, Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung chủ trì.

Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng; Nguyễn Thế Hùng; Nguyễn Doãn Toản; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thuộc thành phố dự tại các điểm cầu.

Phát biểu tại cuộc họp, chủ tịch Hà Nội nêu ra nhiều vấn đề kinh tế - xã hội của Hà Nội không đạt do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thành phố cũng thấy nhiều biến động, có sự đảo lộn trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Chủ tịch UBND TP cho rằng dịch bệnh sẽ kéo dài trên thế giới, chưa có tín hiệu kết thúc trong năm nay. Thành phố xác định công tác chống dịch phải thực hiện trong thời gian dài, đến khi thế giới có vaccine an toàn sản xuất đại trà.

Hà Nội: Không để các cửa hàng không thiết yếu mở cửa trước 9h hàng ngày  - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi họp

Về vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên đi học trở lại từ tuần này và cấp mầm non, tiểu học từ tuần sau, ông Chung cho rằng ở một số trường chia nhiều giờ học, ca học hay cho học sinh đeo kính chống giọt bắn trong lớp là không cần thiết.

"Chỉ cần đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn các trang thiết bị. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu giảm tải chương trình học và các kỳ thi, tổ chức thật khoa học và vẫn đảm bảo chất lượng, làm tốt công tác phòng chống dịch, không để dịch ở trường học", ông Chung nói.

Người đứng đầu UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Cục quản lý thị trường tăng cường kiểm tra giờ hoạt động của các cửa hàng không thiết yếu, không để mở cửa trước 9h hàng ngày. Nếu vi phạm, ông đề nghị các đơn vị chức năng thu giấy phép kinh doanh. Thành phố sẽ thí điểm hoạt động này đến hết ngày 31/12.

"Đây cũng là cơ hội để Hà Nội điều chỉnh giờ làm, có thể giảm 600.000-800.000 người ra đường cùng lúc, góp phần giảm thiểu ách tắc giao thông", ông Chung cho hay.

Chủ tịch UBND TP giao Sở Y tế, Sở Văn hóa Thể thao kiểm tra, hướng dẫn cho các hoạt động kinh doanh như chăm sóc sắc đẹp, tiệm cắt tóc có thể cho mở cửa trở lại nhưng đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.

Sở KHĐT, QH-KT tháo gỡ vướng mắc cho các trình tự thủ tục của các dự án, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; gặp gỡ các đơn vị trúng thầu làm việc tăng ca để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình, đưa ra các mức thưởng để khuyến khích.

Về đầu tư chiếu sáng các đường nông thôn, Chủ tịch UBND TP gợi mở cần giảm tối đa các tuyến dùng hệ thống điện mà chuyển sang dùng năng lượng sạch, năng lượng mặt trời.

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Sở Du lịch tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch ngay trong tháng 5; các đơn vị chuẩn bị Hội nghị xúc tiến đầu tư của TP vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới.

Các báo đài của Hà Nội tuyên truyền, phản ánh vi phạm trật tự giao thông, xây dựng, đô thị qua ứng dụng SmartCity. Vừa qua, Ứng dụng này được sử dụng giúp người dân có thể xem được bản đồ dịch, diễn biến tình hình dịch trên thế giới, tại Việt Nam và Hà Nội. Ngoài ra có thể tra cứu được lộ trình của các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân. Đồng thời, ứng dụng giúp người dân phản ánh những trường hợp trong diện cách ly song chưa thực hiện tốt.

Hiện nay, ứng dụng này là kênh tương tác giữa người dân và lãnh đạo các cấp chính quyền, theo đó, người dân thấy những vi phạm về trật tự giao thông, đô thị... có thể chụp ảnh vi phạm, đưa lên ứng dụng, từ đó ứng dụng sẽ chuyển về địa chỉ lãnh đạo phường, đơn vị phụ trách để giải quyết.

Chủ tịch giao các đơn vị chăm lo công tác an sinh xã hội, thực hiện chi trả hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chủ tịch UBND TP yêu cầu cần có sự rà soát kỹ lưỡng, tỉ mỉ từ phường xã đến tổ dân phố, không được xảy ra tiêu cực, tham nhũng, sai sót để dẫn đến khiếu kiện. Ngoài ra, phải chăm lo đến công tác dạy nghề, và học tập của học sinh.