Hà Nội mạnh tay "xóa sổ" bếp than tổ ong, chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ vùng ven
Bếp than tổ ong, khói thải từ các phương tiện giao thông, đốt rơm rạ... là những tác nhân gây ô nhiễm không khí hàng đầu tại Hà Nội. Dự kiến, đến năm 2020 TP. Hà Nội sẽ tiến hành "xóa sổ" bếp than tổ ong cũng như tình trạng đốt đồng ở vùng ven.
Chiều ngày 7/6, hội thảo "Không khí sạch – thành phố xanh" do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Minh Mười (Phó GĐ Sở TN&MT Hà Nội) cho biết: "Sở Tài nguyên & Môi trường đang triển khai các hành động cụ thể như chương trình không sử dụng bếp than tổ ong, không đốt rơm rạ, kiểm kê nguồn thải, đánh giá phơi nhiễm sức khỏe do sử dụng bếp than tổ ong. Tăng cường công tác kiểm soát các cơ sở gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng trên địa bàn thành phố".
Ông Nguyễn Minh Mười - Phó GĐ Sở TN&MT Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.
Trong khi đó, bà Lê Thanh Thủy (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết trong năm 2017 và 2018 Sở TN&MT đang triển khai các nội dung gồm, xây dựng lộ trình không sử dụng bếp than tổ ong trong TP. Hà Nội; Ngoài ra chúng tôi xây dựng các chiến dịch "cánh đồng không đốt rơm rạ" từ nay đến năm 2020.
Bà Thủy cũng cho hay, trong ngày 6/6, Sở TN&MT cũng đã tiến hành việc sử dụng chế phẩm của mùa gặt tại 17 huyện ngoại thành của TP. Hà Nội.
Trả lời riêng P.V, bà Thủy nhấn mạnh về việc cần phải giải quyết không sử dụng bếp than tổ ong: "Đây là vấn đề khá bức xúc và mang tính an sinh nhiều hơn. Theo tôi nghĩ đây là quyết tâm của TP. Hà Nội cộng với sự hỗ trợ của cộng đồng dân cư. Vì vậy dự án đã được thực hiện từ năm 2017, chúng tôi đã đánh giá toàn bộ hiện trạng của bếp than tổ ong trong toàn TP. Hà Nội, đồng thời đã phân loại ra những cơ sở, điểm nóng cũng như xây dựng lộ trình cụ thể".
Theo bà Thủy, đến năm 2020 Hà Nội sẽ xóa sổ bếp than tổ ong và đốt rơm rạ.
"Trong năm 2018 chúng tôi đã thí điểm một số mô hình ngay trong quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình về việc sử dụng các bếp cải tiến thân thiện với môi trường, viên nén nhiên liệu thay thế bếp than tổ ong. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tuyên truyền, thông báo rộng rãi về việc tác hại cũng như tiến hành đo tác hại của bếp than tổ ong so sánh với các bếp cải tiến khác. Từ đó có một bức tranh tổng thể để người dân thấy được từ đó họ đưa ra quyết định về việc có nên sử dụng bếp than tổ ong hay không", bà Thủy nhấn mạnh.
Bếp than tổ ong là một trong những tác nhân gây ô nhiễm không khí, sức khỏe cho người dân (ảnh chụp tại KĐT Đền Lừ).
Trong năm 2019 Sở TN&MT sẽ tiến hành xóa bỏ các bếp than do các cơ sở kinh doanh như: quán nước, quán ăn… sử dụng bếp than tổ ong. Đến năm 2020 sẽ tiến hành cấm các hộ gia đình cũng như các cơ sở kinh doanh sử dụng bếp than tổ ong, đồng thời siết chặt quy định cấm các cơ sở kinh doanh than – bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố.
Tại các quận ngoại thành Hà Nội, cứ đến mùa gặt là xảy ra tình trạng đốt đồng (ảnh chụp tại huyện Phúc Thọ - Hà Nội).
"Chúng tôi đã xây dựng nhiều tờ hướng dẫn, tổ chức hướng dẫn trực tiếp người dân tại quận Hoàn Kiếm cách sử dụng các bếp cải tiến. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vấn đề mấu chốt là vấn đề kinh tế. Bởi hầu hết những người sử dụng bếp than tổ ong với mong muốn tiết kiệm chi phí, họ chưa đủ khả năng chi trả cho bếp từ, bếp gas. Vì vậy chúng tôi huy động các nguồn lực để trợ giá cho người dân để chuyển từ bếp than tổ ong sang các loại bếp khác. Đặc biệt với những người không có điều kiện sẽ được sàng lọc và trợ giá bếp, nhiên liệu để chuyển sang các loại bếp mới", bà Thủy nói về giải pháp triển khai.
Cũng tại hội thảo, bà Đỗ Vân Nguyệt (Tổ chức Live and Learn) cho biết, một trong những đối tượng bị ảnh hưởng của việc ô nhiễm không khí nhiều nhất là trẻ em.
Bà Đỗ Vân Nguyệt (Tổ chức Live and Learn) phát biểu.
"Theo tổ chức Y tế thế giới công bố gần đây cho thấy, cứ 10 người dân thì có 9 người dân bị hít thở không khí không sạch. Chúng tôi có khảo sát nhanh trực tiếp với khoảng 400 bố mẹ và trẻ em tại Hà Nội ở các địa điểm khác nhau thì mọi người đều cho rằng việc ô nhiễm không khí đều là do các ngành nghề công nghiệp. Tuy nhiên, còn các nguyên nhân hàng ngày khiến không khí bị ô nhiễm như hành vi đốt rác, đốt rơm rạ, sử dụng các loại bình xịt trong gia đình thì hầu hết mọi người chưa ý thức được", bà Nguyệt cho hay.
Hội thảo nhận được đông đảo sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức cũng như người dân.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các ý tưởng bảo vệ môi trường; các giải pháp cải thiện chất lượng không khí từ doanh nghiệp như thiết bị đo lường chất lượng không khí, khẩu trang, giải pháp công nghệ lọc không khí, bếp cải tiến sử dụng viên nén nhiên liệu thay thế cho bếp than tổ ong và ứng dụng thu gom và quản lý rác thải điện tử; và giới thiệu các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên hướng tới tiêu dùng bền vững.