Những ngày này, thời tiết Hà Nội liên tục có mưa vừa và nhỏ. Mưa kéo dài đã khiến việc đi lại bằng xe máy, xe buýt gặp nhiều khó khăn. Vì thế, nhiều người dân Thủ đô đã chọn giải pháp gọi taxi khi muốn ra khỏi nhà.
"Mưa gió thế này đi đâu cũng ngại, đi xe máy thì toàn bị các xe lớn chạy qua bắn nước vào người nên mình chọn đi taxi cho tiện", chị Vũ Thị Thủy (Tây Hồ - Hà Nội) chia sẻ.
Cũng chính vì tâm lý ngại mưa gió như chị Thủy nên rất nhiều người dân Thủ đô chọn taxi làm phương tiện di chuyển hiệu quả. Tuy nhiên, do "nguồn cung" tăng đột biến nên nhiều hãng taxi đang rơi vào tình trạng quá tải, không phục vụ kịp.
Ngày mưa gió, taxi được dịp "làm cao"
Anh Minh (Ba Đình - Hà Nội) kể lại, sáng ngày 2/8, anh có việc ra ngoài đúng lúc mưa lớn, anh đã chủ động gọi taxi. Tuy hiên, đợi chờ mất gần 20 phút mà vẫn không thấy tài xế đến đón. Anh Minh đành đi xe máy và khi về đến nhà thì khắp người đều bị ướt như chuột lột dù đã mặc áo mưa cẩn thận.
Mưa lớn khiến nhiều người phải chọn taxi làm phương tiện di chuyển mỗi khi có việc ra đường.
Tuy nhiên, ngay từ tối 1/8, nhiều hãng xe đã luôn trong tình trạng "quá tải". Theo phản ánh của nhiều khách, họ thường phải đợi mất khoảng từ 20 đến 30 phút mới có xe đến đón trong khi số khác phải bắt tạm xe dù để đi vì không đủ kiên nhẫn đợi chờ xe chính hãng. Ảnh: Trí Kiên
Theo lời anh Minh, trước đó anh có gọi cho một số hãng taxi nhưng tổng đài liên tục bận. "Mãi sau tôi gọi được một hãng taxi X., họ đã hứa sẽ đến đón nhưng rồi lại mất tích", anh Minh bức xúc.
Tương tự, chị Hằng (nhân viên văn phòng làm việc tại Hà Nội) kể lại, tối 1/8, chị phải mất 30 phút mới gọi được một chiếc taxi để trở về nhà. "Bình thường tôi hay có ông xã đưa đón nhưng hôm nay anh ấy có việc bận nên tôi phải gọi taxi để về. Tuy nhiên, để gọi được một lái xe đến đón cũng khá là trầy trật. Sau một hồi cố gắng gọi cho nhiều hãng, mãi sau tôi mới tìm được xe để đi. Tuy nhiên, anh lái xe còn ra điều kiện là những nơi nước lụt quá nửa bánh xe thì sẽ không thể đi tiếp, rất may là đường về nhà tôi không có chỗ nào ngập sâu nhu vậy. Đúng là taxi gặp lúc đông khách nên được dịp làm cao” – chi Hằng nói thêm.
Mưa lớn khiến dịch vụ xe ôm "ế khách" trong khi đó, taxi luôn trong tình trạng "đắt sô" đến nỗi nhiều người dù muốn cũng không thể gọi được. Ảnh:Trí Kiên
Khác với những trường hợp trên, ông Lê Vương Tâm lại là một khách hàng quen thuộc của hãng taxi Z. "Tôi hay đi xe của họ nên hôm nay lại gọi tiếp. Ai ngờ, gọi đến 30 phút rồi vẫn chỉ nhận được câu nói “cháu sắp đến rồi đây. Chú cố đợi thêm 5 phút nữa”, ông Tâm chia sẻ.
Theo phản ánh của nhiều khách hàng, để gọi được taxi ngày mưa gió, họ thậm chí phải chấp nhận bắt xe dù với mức giá khá "chát". Anh Nguyễn Văn Thanh (Kim Liên, Hà Nội) chia sẻ: "Đứng giữa đường trời nắng nhìn gà hóa cuốc, thấy xe có biển trên đầu là tôi cứ vẫy đại đi cho nhanh, không may bắt được đúng taxi dù, đi bình thường mất có 40.000 đồng mà hôm qua mất tận 100.000 đồng".
Anh Tùng kể: "Lên xe thấy không có đồng hồ là mình biết... phải mặc cả rồi. Bảo trả gấp đôi bình thường rồi mà tài xế còn quát inh ỏi, bảo đúng giá thì đi không đi thì thôi, đến giờ này rồi không còn xe nào chở anh theo giá đồng hồ đâu, thế nên đành chấp nhận đi vậy".
Dẫu biết là bắt phải taxi dù sẽ là một thảm họa nhưng nhiều người không đủ kiên nhẫn để đứng chờ tổng đài điều xe đến trong tình cảnh mưa gió. Trong khi để bắt được một chiếc taxi theo kiểu này cũng không hề dễ dàng bởi việc điều động xe cộ khá mất thời gian và số của tổng đài nhiều khi lại không thể liên hệ được.
Xe chính hãng không có chuyện chặt chém, đội giá
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Hoàng Vinh, tài xế taxi Vạn Xuân cho biết: "Thời điểm mưa bão, khách hàng không có nhiều lựa chọn nên một số tài xế thường lợi dụng cơ hội để tăng giá nhằm kiếm thêm thu nhập".
Tuy nhiên, anh Vinh cũng đưa ra nhiều lý do để bênh vực cánh lái xe trong việc thường xuyên đến muộn khi gặp mưa gió. Lý do là vào thời điểm bắt đầu mưa to, tài xế thường phải chịu rất nhiều áp lực như nguy cơ ngập lụt dẫn đến chết máy, hỏng hóc hoặc gặp các sự cố không may như cây gãy đổ, đè vào xe gây nguy hiểm đến tính mạng. "Những vụ taxi bị cây đổ vào tử vong, mất cả người lẫn của là có thật, Chính vì thế, nhiều anh em lái xe ngại đi đón khách, họ thường tìm nơi an toàn để trú đậu. Theo tôi, việc cánh lái xe đến muộn lúc trời mưa thì khách hàng nên thông cảm", anh Vinh nói thêm.
Trong khi đó, anh Mạnh, trưởng phòng đại diện một hãng taxi khác lại cho hay: "Ở chỗ tôi, dù trời mưa gió nhưng taxi vẫn luôn đủ để đáp ứng nhu cầu đi lại của khách hàng". Theo anh Mạnh, taxi chính hãng khi đông khách thì có thể phục vụ chậm một chút nhưng không bao giờ chặt chém khách hàng. "Mọi người không nên đi xe dù, vì có thể sẽ bị ép giá. Nếu gọi một lần không được, mọi người nên kiên nhẫn gọi thêm lần nữa để đi taxi đúng hãng, giá cả phải chăng thay vì đi taxi dù hay lợi dụng thời cơ để "chặt chém" khách hàng", anh Mạnh khuyên.
Mưa gió khiến các tuyến đường Thủ đô thường xuyên xảy ra ách tắc. Vì thế, theo nhiều lái xe, chuyện taxi đến đón khách chậm hơn lịch hẹn là có thể thông cảm. Trong hình là hàng loạt taxi chôn chân trong cảnh tắc đường. Ảnh: Doãn Tuấn .
Bên cạnh đó, anh Mạnh khẳng định, khi mưa lớn, tài xế taxi cũng phải đối mặt với nhiều nguy hiểm nên việc họ có thể đến muộn là chuyện dễ hiểu, khách hàng nên thông cảm và kiên nhẫn hơn một chút. "Mưa lớn có thể gây tắc đường hoặc đường trơn nên không lái xe nhanh được. Vì thế, nếu lái xe chưa đến kịp, tôi hy vọng khách hàng có thể rộng lượng và kiên nhẫn hơn để đợi chờ họ thêm một chút", anh Mạnh giãi bày.
Đồng tình với quan điểm của anh Mạnh, anh Nguyễn Mạnh Hùng (46 tuổi, quản lý một hãng taxi nổi tiếng tịa Hà Nội) tâm sự: "Tôi không biết các hãng khác như thế nào nhưng riêng hãng chúng tôi không hề có tình trạng đông khách đến nỗi không phục vụ kịp hoặc chặt chém khách. Chuyện máy bận có thể do nhiều người cùng gọi đến một lúc hoặc do mưa gió nên bị sự cố trong chốc lát nhưng tôi đảm bảo tình trạng này không diễn ra quá lâu".
Theo anh Hùng, lý do các tài xế đến chậm chủ yếu là do họ gặp cảnh tắc đường. "Khách thường gọi taxi vào các cung giờ cao điểm trong tình cảnh mưa gió, đường xá hay tắc nghẽn kinh hoàng nên việc đến chậm là quá bình thường. Tôi thừa nhận chuyện này nhưng riêng việc chặt chém thì tôi bác bỏ. Chỉ có những ai đi taxi dù mới bị như vậy còn các hãng làm ăn chân chính, không ai nỡ lòng thu quá đâu vì chỉ cần có phản ánh, chúng tôi sẽ xử lý nhân viên rất nghiêm", anh Hùng một mực khẳng định.