Lịch nghỉ Tết chính thức diễn ra từ ngày 2/2 (tức 28 Tết Nguyên đán), tuy nhiên rất nhiều người dân là sinh viên, người lao động, kinh doanh đã chủ động sắp xếp công việc của mình để về quê nghỉ Tết sớm.
Theo đó, từ chiều ngày 29 và chiều ngày 30/1 tại nhiều tuyến đường ở các cửa ngõ Thủ đô đã bắt đầu đông lên trông thấy. Đặc biệt, tình trạng ùn tắc ở nhiều nút giao thông do lưu lượng các phương tiện di chuyển đông đúc.
Trao đổi với PV, chị Minh Phương - trú tại Nghệ An cho hay: "Tuy chưa được nghỉ chính thức nhưng 2 vợ chồng cũng đã sắp xếp công việc của cơ quan để được nghỉ Tết sớm. Cả năm có mấy ngày thôi nên tranh thủ về quê với ông bà sớm được ngày nào hay ngày đó".
Những ngày cuối năm, giao thông tại nhiều nút trọng điểm ở Hà Nội khá phức tạp nhất vào những giờ cao điểm. Ở các nút cửa ngõ của Thủ đô, tình trạng ùn ứ thường xuyên xảy ra do người dân đi mua sắm, về quê đông hơn.
Đường Vành Đai 3 cũng trong tình trạng tương tự mặc dù đây là con đường nội đô. Theo quan sát của PV, rất nhiều người đã sắp xếp công việc về quê ăn Tết sớm.
Rất nhiều người lựa chọn phương tiện ô tô, xe khách thậm chí cả xe máy để về quê ở các tỉnh lân cận.
16h chiều, đường phố Hà Nội luôn trong tình trạng đông đúc, đến khoảng 18h nhiều nơi xảy ra ùn tắc kéo dài.
Lực lượng CSGT dịp này đang "căng mình" điều tiết, hướng dẫn, phân luồng tạo thuận lợi cho bà con di chuyển.
Tại các bến xe, rất đông học sinh, sinh viên của các trường đóng trên địa bàn Hà Nội cũng đã có mặt để về quê.
Trao đổi với PV, Hoa - một sinh viên cho hay: "Ai cũng háo hức về đón Tết, ai cũng mong đoàn tụ với gia đình nên ngay sau khi được nghỉ học em đã về quê ngay".
Tay xách nách mang, đó là cảnh dễ bắt gặp ở các bến xe khách.
Số lượng chuyến, lượng xe được tăng cường nhằm đảm bảo người dân không phải chờ đợi, xếp hàng.
Nhiều người dân ngồi chờ đến giờ xe xuất bến.
Trong ít ngày tới, chắc chắn lượng người dân sẽ tiếp tục rời khỏi Hà Nội đông hơn cũng đồng nghĩa với việc các bến xe, bến tàu, cửa ngõ Thủ đô sẽ thêm "nóng".