Liên quan thông tin bố trí làn đường riêng cho xe đạp, ông Bảo cho biết ngày 5/4/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48 “Về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025”, trong đó có giao cho UBND các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TPHCM triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nghiên cứu thí điểm làn đường dành cho xe đạp.

Trên cơ sở đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 235 ngày 31/8/2022 để thực hiện Nghị quyết số 48 của Chính phủ. Trong đó, kế hoạch đã đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cụ thể trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu thí điểm làn đường dành cho xe đạp trên địa bàn thành phố.

“Hiện nay, Sở được thành phố giao chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã có liên quan nghiên cứu, đề xuất, triển khai thí điểm bố trí làn đường đi ưu tiên cho xe đạp trên một số tuyến đường phù hợp, bảo đảm an toàn giao thông", ông Bảo thông tin, đồng thời cho biết, nội dung này mới đang ở bước nghiên cứu.

Ông Bảo cũng cho biết, theo Nghị quyết 04 năm 2017 của HĐND thành phố, Sở GTVT Hà Nội được giao nhiệm vụ xây dựng hai đề án gồm phân vùng hoạt động xe máy và thu phí phương tiện nội đô.

“Đây là 2 đề án phức tạp, tác động sâu rộng đến người dân, không chỉ người dân Thủ đô chịu tác động mà cả người dân từ tỉnh ngoài. Do đó cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ”, ông Bảo nói.

Ông Bảo cho hay, hiện Sở đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý, đồng thời phát phiếu điều tra, thu thập ý kiến của người dân.

“Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý, chúng tôi đang hoàn thiện nội dung đề án. Sẽ tiếp tục lấy ý kiến người dân, báo cáo cấp thẩm quyền và thông tin với báo chí về nội dung đề án”, ông Bảo thông tin thêm.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tăng cường bảo đảm trật tự, ùn tắc giao thông và chống ùn tắc giao thông, giai đoạn 2022- 2025.

Theo đó, kế hoạch đề ra hàng loạt giải pháp, như: Yêu cầu các cơ quan liên quan phải rà soát, bố trí các điểm đỗ xe tĩnh trong nội đô và trên địa bàn các quận; đầu tư hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại các đô thị, các công trình đảm bảo giao thông cho những người dễ bị tổn thương; nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp.

Thành phố cho biết sẽ huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch; đầu tư kết nối, khép kín các tuyến vành đai (tập trung nguồn lực hoàn thiện tuyến đường vành đai 3,5 và vành đai 4); các trục hướng tâm, các trục chính đô thị, các tuyến đường có tính liên kết vùng…

Hà Nội cũng yêu cầu đẩy nhanh phát triển mạng lưới giao thông tĩnh (bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận các đầu mối giao thông công cộng…) theo quy hoạch; tăng cường công tác giám sát đầu tư; chỉ phê duyệt đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu, quy định về bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối giao thông với các trục đường chính trong đô thị.