Trưa 29/7, người dân trên phố Phùng Hưng chứng kiến cảnh rượt đuổi kinh hoàng của một nữ sinh, cùng lời hô hoán "cướp, cướp", đến khu vực bốt Hàng Đậu thì dừng lại vì mất dấu vết.

Cô gái hốt hoảng sau khi bị cướp

Cô gái hốt hoảng sau khi bị cướp

Theo chứng kiến của chúng tôi, vào thời điểm trên, nghe thấy hô cướp, một số người dân cùng truy đuổi tuy nhiên khi đến phố Gầm Cầu thì rẽ vào và mất dấu vết.

Tại đây, nữ sinh đi chiếc xe tay ga vẫn chưa hết hoảng hốt cho biết, cô quê ở Gia Lâm, hôm nay sang nhà bạn chơi. Trong lúc ghé vào cửa mua cháo để mang về ăn, thì bất ngờ bị nam thanh niên lạ mặt giật chiếc điện thoại rồi lên xe máy đang chờ sẵn.

"Cháu vừa trả tiền mua cháo rồi đi ra, để vài trăm ở ốp điện thoại, ngay lập tức bị giật, nó ném lại cái ốp rồi chạy. Cháu sắp thi đại học nên nhiều bài học trực tuyến ở trong chiếc điện thoại Iphone6 , cháu sợ mất cơ hội", nữ sinh buồn bã kể.

Nữ sinh sau đó được người dân đưa đến công an phường Đồng Xuân trình báo. Tại đây, các chiến sĩ đã đưa cô gái đến hiện trường để tìm hiểu và xác minh sự việc.

Hà Nội: Nữ sinh sắp thi đại học bị cướp ngay trong lúc ghé vào cửa hàng mua cháo - Ảnh 2.

Người dân cũng phải bất lực

Hà Nội: Nữ sinh sắp thi đại học bị cướp ngay trong lúc ghé vào cửa hàng mua cháo - Ảnh 3.

Sau đó nữ sinh đã trình báo công an

Một số cách phòng tránh cướp giật

Làm gì để không trở thành “mồi ngon” của bọn cướp giật? Cách phòng ngừa tốt nhất vẫn là sự cảnh giác của mỗi người. Cần chủ động không để bản thân rơi vào những tình huống nguy hiểm, không nên tạo những sơ hở để bọn cướp giật ra tay. Đồng thời, phải “phòng ngừa sớm” bằng việc dự liệu từ trước những cách thức đối phó nếu chẳng may bị cướp giật.

Cách tốt nhất khi ra đường là đừng phô trương tài sản quý, hạn chế đeo đồ trang sức khi ra đường. Nếu đeo thì nên quàng khăn, mặc áo dài tay kín cổ, áo chống nắng… trùm ra ngoài để che khuất đi. 

Không nên mang theo nhiều đồ đắt tiền bên mình, trừ khi thật sự cần thiết. Khi đó, phải cất tiền, tài sản vào trong cốp xe (nếu có) hoặc chằng buộc cẩn thận vào xe. 

Lưu ý, trước khi cất đồ vào cốp hoặc lấy ra thì phải nhìn xung quanh, vì bọn cướp giật thường chọn thời điểm này để gây án. 

Nếu túi to, cốp nhỏ không để vừa, thì tốt nhất là đeo túi, balô, cặp laptop… về phía trước bụng, hoặc treo buộc túi ở ba-ga xe máy (giữa hai đùi), quàng dây cẩn thận qua cổ xe, để tránh bị rạch túi nếu đeo sau lưng. 

Quai túi nên chọn loại to bản, chắc chắn để bọn cướp từ bỏ ý định giằng giật. Tuyệt đối không đặt, treo đồ vật, hành lý hớ hênh (như trong giỏ xe trước ghi đông, ở giá để hàng tại khung xe).

Trên đường đi cần chú ý quan sát, nếu qua gương chiếu hậu phát hiện thấy có đối tượng nghi vấn bám theo sau, hoặc có biểu hiện như tăng ga, lạng lách đánh võng cùng chiều với mình, thì phải chạy thật chậm lại, đi sát vào lề đường, hoặc táp xe vào lề đường rồi dừng hẳn, hoặc cố gắng đi đến khu vực có nhiều người. 

Không nên vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại. 

Nếu buộc phải nghe điện, nên táp xe vào lề đường rồi dừng lại ở nơi có chướng ngại vật (cây, cột điện) rồi xuống xe, rút điện thoại ra nghe bằng tai bên phải (ở phía có chướng ngại vật). Trong lúc nghe điện thoại vẫn nên nhìn xung quanh. 

Nếu thấy có người đang lao xe thẳng về phía mình, cần cảnh giác và tính nhanh việc đối phó. Phải cảnh giác khi có người đi sát hỏi đường, hoặc khi dừng đèn đỏ giao lộ. 

Nếu vận chuyển hàng hóa bằng xe ôtô hay xe taxi, phải nâng cao cảnh giác, chú ý quan sát xung quanh trước khi đưa tiền, hàng hóa lên, xuống xe. Đặc biệt, trước khi bước ra khỏi xe ôtô, cần nhìn trước ngó sau. 

Khi người đã ra ngoài xe thì mới lấy đồ ra. Trên đường không nên cho người lạ mặt không quen biết đi nhờ xe, tránh việc bị cướp hoặc trộm cắp, giật đồ.

Không nên đi về quá khuya trên các cung đường vắng. Khi đi dạo bộ trên phố cần chú ý bảo vệ đồ vật. 

Không đi bộ dưới lòng đường; hoặc đi sát lề đường nhưng treo giỏ xách bên vai trái (phía lòng đường), vì đối tượng dễ giật được tài sản. 

Khi rút tiền từ các ngân hàng và ATM, nên có người đi cùng và chú ý quan sát, cảnh giác khi rời khỏi các địa điểm này.