"Mất" Tết vì nợ nần
Phản ánh tới Báo Gia đình & Xã hội, ông Phạm Như Thủy (48 tuổi, ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, gia đình ông đang lâm vào cảnh lao đao và có nguy cơ mất Tết chỉ vì nợ nần chồng chất. Mặc dù đã nhiều lần "gõ cửa" các cơ quan liên quan tại địa phương nhưng gia đình ông Thủy vẫn không nhận được khoản hỗ trợ tiêu hủy đàn lợn được cho là nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Chuồng nuôi lợn của gia đình ông Phạm Như Thủy bỏ không, kể từ khi tiến hành tiêu hủy đàn lợn gần 500 con.
Ông Thủy cho biết: "Gia đình tôi có truyền thống chăn nuôi lợn đã hơn 20 năm tại địa phương. Năm 2019, chịu sự ảnh hưởng của đại dịch tả châu Phi, khi một số con trong đàn lợn gần 500 con (250 con giống, 214 lợn xuất chuồng) của gia đình tôi có kết quả âm tính với dịch tả lợn châu Phi, thì các cơ quan liên quan đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn.
Số tiền hỗ trợ mà gia đình tôi nhận được từ nhà nước là hơn 500 triệu. Tuy nhiên đến nay, dù việc tiêu hủy đã diễn ra hơn 6 tháng nhưng gia đình tôi vẫn không nhận được bất cứ một đồng nào nên cuộc sống đã khó khăn càng thêm khó khăn. Thậm chí, gia đình tôi có nguy cơ mất Tết chỉ vì nợ nần".
Đơn kêu cứu của gia đình ông Phạm Như Thủy gửi đến Báo Gia đình & Xã hội.
Theo ông Thủy, trước thời điểm dịch tả Châu Phi xuất hiện, gia đình có đàn lợn 214 con đến tuổi xuất chuồng với tổng trọng lượng đàn lợn khoảng 14,7 tấn. Nhận thấy đàn lợn của gia đình vẫn khỏe mạnh và chuẩn bị đến thời điểm xuất bán, nên ngày 10/6/2019, ông Thủy tiếp tục mua 250 con lợn giống của Công ty TNHH MTV chăn nuôi Hòa Phát (ở Bắc Giang) để về kế đàn, tiếp tục chăn nuôi, tăng gia sản xuất. Số lợn này đều có giấy tờ nguồn gốc và kiểm dịch rõ ràng của Chi cục Chăn nuôi và thú y Bắc Giang cùng các ngành chức năng.
Đến ngày 14/6/2019, ông Thủy phát hiện 1 trong tổng số 214 con lợn đang chuẩn bị xuất chuồng có hiện tượng ốm yếu, nghi là dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm nên ông Thủy đã thông báo với chính quyền địa phương. Sau đó, trong các ngày 19/6 và 20/6/2019, 2 đàn lợn với tổng số 564 con đã buộc phải tiêu hủy.
Hai vợ chồng ông Phạm Như Thủy có nguy cơ "mất" Tết vì nợ nần chồng chất.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Định (46 tuổi, vợ ông Thủy) bức xúc: "250 con lợn giống với trọng lượng là hơn 4.000kg đã được kiểm dịch, gia đình tôi bị UBND xã Hồng Hà lập biên bản xử phạt vì mua lợn ở địa bàn khác về nuôi khi đang có dịch. Gia đình tôi đã nghiêm chỉnh chấp hành và nộp phạt 2,5 triệu đồng theo quy định.
Thế nhưng, với đàn lợn 214 con đến tuổi xuất chuồng không mắc dịch tả nhưng bị tiêu hủy, đến nay chúng tôi vẫn chưa được nhận một đồng tiền hỗ trợ nào từ Nhà nước. Mặc dù, các hộ nuôi lợn khác trong cùng địa phương có lợn bị tiêu hủy đã nhận được hết tiền hỗ trợ".
Bà Định chua xót: "Là nông dân, chúng tôi chỉ biết trông chờ vào những đồng tiền có được từ chăn nuôi. Khi dịch đến, chúng tôi là người xót xa, đau đớn nhất. Bởi để có đủ lực nuôi được đàn lợn này, gia đình tôi phải vay mượn anh em họ hàng và ngân hàng, tổng số tiền nợ hiện tại là hơn 1 tỷ đồng.
Hơn nữa, trước khi nhập 250 con lợn tái đàn, chúng tôi cũng đã xem xét rất kỹ các điều kiện về tính hợp pháp, chúng tôi mới dám mua về. Từ khi tiêu hủy đàn lợn đến nay, chuồng trại để trống, chúng tôi làm ăn được gì. Đêm ngày hai vợ chồng suy nghĩ đến gầy rộc người chỉ vì khoản nợ ngân hàng".
Biên bản ghi nhận tình trạng vệ sinh thú y của 250 con lợn trước khi ông Thủy nhập từ Bắc Giang về nuôi. Ảnh: NVCC
Đơn đăng ký vận chuyển 250 con lợn giống ra khỏi địa bàn tỉnh Bắc Giang của ông Phạm Như Thủy. Ảnh: NVCC
Trước tình cảnh này, vợ chồng ông Phạm Như Thủy chỉ có một mong muốn là được Nhà nước xem xét, tạo điều kiện để sớm nhận khoản hỗ trợ theo đúng tinh thần của Quyết định 793/QĐ-TTG 2019 về việc hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.
Chính quyền địa phương nói gì?
Trao đổi với PV, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: "Đến thời điểm này, việc hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn bị nhiễm dịch tả châu Phi là do phía huyện, bởi thành phố đã cấp đủ kinh phí để các địa phương hỗ trợ".
Cũng theo ông Mỹ, về trường hợp hộ chăn nuôi Phạm Như Thủy, Sở đã có văn bản đề nghị UBND huyện Đan Phượng xem xét để hỗ trợ thiệt hại đối với đàn lợn 214 con của gia đình ông Thủy vì đã chăn nuôi tại thời điểm thống kê tháng 4/2019 trên địa bàn.
Văn bản của Sở NN&PTNT có ý kiến về trường hợp gia đình ông Phạm Như Thủy.
Trước những phản ánh trên, ông Nguyễn Đình Đà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà cho biết: "Ông Phạm Như Thủy nuôi 214 con lợn từ cuối năm 2018, đến tháng 3/2019 khi toàn huyện Đan Phượng bắt đầu xuất hiện dịch tả lợn châu Phi thì xã thông báo rộng rãi và lập chốt kiểm soát, yêu cầu người dân không vận chuyển khi không có giấy tờ hợp lệ và tuyệt đối không được nhập đàn.
Tuy nhiên, ngày 10/6, ông Thủy nhập 250 con lợn từ Bắc Giang về thì đến ngày 14/6, đàn lợn của ông Thủy bị chết 8 con. Ngay lúc đó, chúng tôi lấy mẫu đi xét nghiệm thì cho ra kết quả là dương tính với dịch tả châu Phi".
"Với những mẫu lợn dương tính với dịch tả châu Phi thì được nhà nước hỗ trợ nhưng gia đình ông Thủy lại nhập lậu về địa phương, các đơn vị chức năng đã lập biên bản và xử phạt hành chính.
Tại hội nghị của UBND huyện Đan Phượng, tôi đã nhận khuyết điểm với lãnh đạo huyện vì đã để nhân dân tăng đàn lợn khi đang có dịch. Huyện cũng quyết định tạm thời dừng việc hỗ trợ đối với gia đình ông Phạm Như Thủy để xem xét trong thời gian tới và giao cho Chi cục thú y báo cáo thành phố để xin ý kiến", ông Đà cho hay.
Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật ra khỏi địa bàn cấp của ông Phạm Như Thủy. Ảnh: NVCC
Lý giải về phiếu kiểm dịch động vật của ông Phạm Như Thủy được cấp khi nhập lợn, ông Đà cho biết:
"Việc địa phương khác xuất giấy kiểm dịch động vật là chỉ được xuất vào vùng không có dịch nhưng với gia đình ông Thủy lại nhập lợn vào vùng Đan Phượng đang có dịch, trong khi Công điện số 1237/CĐ-BNN-TY ngày 22/2/2019 của Bộ NN&PTNT đã nêu rõ là: "Cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch theo đúng quy định của Luật Thú y". Việc này là thiệt hại kinh tế của gia đình và ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, tôi vẫn có quan điểm là đối với 250 con lợn tái đàn, cả huyện và gia đình đều cam kết là không được hỗ trợ. Còn 214 con được hỗ trợ thì phải đợi ý kiến của cấp trên. Ngày 8/9/2019, tôi đã ký tờ trình để xin được hỗ trợ. Trạm thú y huyện Đan Phượng cũng đã có báo cáo với Chi cục thú y thành phố để cấp ngân sách về địa phương, hỗ trợ gia đình ông Thủy.
Trường hợp gia đình ông Thủy cũng mang tính răn đe nên tôi cũng có quan điểm với huyện để sớm hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện tại thì phía huyện và thành phố vẫn chưa có ý kiến về việc hỗ trợ đối với gia đình ông Thủy".