Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Sở TT&TT Hà Nội còn có các đồng chí: Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí; Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ và các Báo cáo viên của Thanh tra, Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT. Tại điểm cầu các quận, huyện, thị xã có đại diện lãnh đạo UBND, Phòng Văn hóa và Thông tin, các đơn vị chức năng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết: thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các Nghị định liên quan trực tiếp đến công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TT&TT. Nội dung các Nghị định trên có nhiều điểm mới, quy định chi tiết thẩm quyền xử phạt của các chức danh cụ thể; thay đổi mức phạt và thẩm quyền xử phạt về các nội dung đã phát sinh trong thực tiễn như: phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; xử lý thông tin trên báo chí, mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp; tin nhắn rác, cuộc gọi rác; in và phát hành xuất bản phẩm.
Quá trình giải quyết công việc, các cơ quan chức năng trên địa bàn Thành phố đã gặp nhiều vướng mắc trong cách thức xử lý, thẩm quyền xử lý... Do đó, để triển khai có hiệu quả các Nghị định trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở TT&TT Hà Nội mời báo cáo viên của Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin và Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông phổ biến nội dung các Nghị định.
Liên quan đến quy định xử phạt trong lĩnh vực báo chí, trong đó có Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết: Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định 02 điểm rất quan trọng: thứ nhất, quy định hành vi vi phạm cụ thể với mức xử phạt cao hơn trước; thứ hai, trao thẩm quyền xử phạt cho các địa phương. Bên cạnh Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, Bộ TT&TT cũng đã có Công văn số 2595/BTTTT-CBC ngày 14/7/2020, trong đó có nội dung quan trọng đề nghị lãnh đạo các ngành, địa phương cung cấp thông tin cho báo chí đúng quy định pháp luật và phù hợp với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí. Theo phản ánh từ các địa phương, kể từ khi có Công văn số 2595/BTTTT-CBC, những vi phạm xoay quanh hoạt động của báo chí đã giảm đáng kể.
Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm đã chia sẻ và hướng dẫn xử lý về một số hành vi vi phạm trong hoạt động tác nghiệp của một số phóng viên báo chí khi đến làm việc với các cơ quan như: giấy giới thiệu không đúng chuẩn, sai tôn chỉ mục đích; hoạt động biến tướng trá hình cơ quan báo chí… Nếu ở địa phương phát hiện những trường hợp vi phạm, các đơn vị có thể báo với Sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp xử lý.
Trao đổi tại Hội nghị, theo đại diện quận Đống Đa: Những hướng dẫn của đồng chí Cục trưởng Nguyễn Thanh Lâm là nội dung quan trọng, giúp cho các địa phương có phương pháp ứng phó, xử lý các đơn vị báo chí tiếp cận không đúng quy định pháp luật, gây ảnh hưởng tiêu cực, thông tin không chính xác về địa phương. Ngay sau khi có văn bản hướng dẫn của Cục Báo chí và Sở TT&TT Hà Nội, quận Đống Đa đã triển khai ngay đến các đơn vị. Qua thực tế cho thấy, phóng viên các tạp chí trước đây thường quan tâm đến lĩnh vực trật tự đô thị tại các phường, các ngành, nay đã giảm hẳn. Các nội dung tìm hiểu đã phù hợp chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí. Trên cơ sở đó, quận Đống Đa đề nghị Sở TT&TT Hà Nội tiếp tục tổ chức các hội nghị chuyên đề hướng dẫn thêm về kỹ năng cung cấp thông tin cho báo chí.
Là một quận trung tâm của thành phố Hà Nội, thời gian qua, quận Ba Đình luôn nhận được sự quan tâm thường xuyên của báo chí, đồng thời cũng nhận được sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của Sở TT&TT khi có các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc hoạt động báo chí. Trao đổi tại Hội nghị, đại diện quận Ba Đình cũng đã nêu một số tình huống cụ thể và đã được Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí và Thông tin Ngô Huy Toàn và các Báo cáo viên của Bộ TT&TT giải đáp, hướng dẫn.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra - Bộ TT&TT đã giới thiệu Chuyên đề: Một số nội dung liên quan đến công tác lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính; đồng chí Nguyễn Thanh Hiếu, Trưởng phòng Thanh tra Xuất bản, In và Phát hành, đã giới thiệu Chuyên đề: Một số nội dung về xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản, in và phát hành; đồng chí Đinh Thị Như Hoa, Tổ trưởng Tổ chống thư rác, Cục An toàn thông tin đã giới thiệu Chuyên đề: Một số điểm mới trong công tác phòng chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Ngày 07/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản (có hiệu lực từ ngày 01/12/2020);
Ngày 14/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP quy định chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác (có hiệu lực từ ngày 01/10/2020);
Ngày 12/2/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2020/NĐ-CP về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 31/3/2020).