Xét các tiêu chí về mật độ dân cư, hạ tầng giao thông và khả năng phục vụ của vận tải hành khách công cộng, cơ quan soạn thảo xác định, địa bàn các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng đều có những khu vực đủ điều kiện để xác định là vùng phát thải thấp .
“Chúng tôi chỉ lựa chọn đơn vị hành chính là cấp quận, huyện, thị xã để thực hiện kế hoạch, còn khu vực được xác định là vùng phát thải thấp cần phải hạn chế phương tiện giao thông là do các quận, huyện lên danh sách, trình cơ quan có thẩm quyền để thực hiện”, đại diện Sở TN&MT (cơ quan soạn thảo kế hoạch) thông tin.
Theo đại diện Sở TN&MT Hà Nội, không chỉ một khu vực, một vùng mà trong một quận, huyện hoặc thị xã có thể có nhiều vùng được chọn là vùng có phát thải thấp.
Đề cập đến khu vực cụ thể đã được ban soạn thảo khảo sát, làm việc với đơn vị hành chính để đề xuất là vùng có phát thải thấp thực hiện thí điểm từ năm 2025, đại diện Sở TN&MT cho biết, với hạ tầng giao thông hoàn thiện, mật độ dân cư đông và hệ thống giao thông, biển báo đồng bộ, đặc biệt địa bàn lại có các tuyến phố đi bộ, phố cổ đang cấm hoàn toàn phương tiện giao thông vào cuối tuần nên quận Hoàn Kiếm sẽ là khu vực được chọn để thí điểm vùng phát thải thấp.
“Khi quận Hoàn Kiếm được chọn để thực hiện thì không phải tất cả toàn bộ địa bàn quận Hoàn Kiếm sẽ hạn chế phương tiện giao thông đi vào, mà chính quyền quận sẽ lựa chọn ra một số khu vực có đủ điều kiện ví như xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm, khu vực phố cổ… để thực hiện vùng phát thải thấp, các khu vực còn lại phương tiện vẫn đi lại bình thường theo phương án tổ chức, phân luồng giao thông của thành phố”, đại diện Ban soạn thảo thông tin.
Xe ô tô chạy dầu và xe máy có niên hạn lâu năm sẽ bị hạn chế
Cho ý kiến về những loại phương tiện nào sẽ bị hạn chế hoặc cấm vào vùng có phát thải thấp, đại diện Ban soạn thảo cho biết, hiện nay khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ đã cấm “cứng” các loại xe tải, xe đầu kéo, xe container, xe chở khách lớn đi vào, tiếp đó vào cuối tuần còn thực hiện cấm tuyệt đối phương tiện giao thông từ xe máy, ô tô con đến xe buýt… đi vào. Do vậy khi triển khai vùng phát thải thấp, dựa vào các tiêu chí đưa ra cơ quan thực hiện chỉ cần đề xuất và lắp đặt thêm các biển báo hạn chế phương tiện theo giờ, hoặc cấm các xe không vào vùng phát thải thấp.
Cụ thể, cùng với xe tải, xe xe đầu kéo, container đang bị cấm và có biển báo, khi thực hiện vùng phát thải thấp, cơ quan thực hiện chỉ cần có thêm các thông báo, biển báo hạn chế theo giờ, hoặc cấm các loại xe đang có mức xả thải cao, ví dụ như xe ô tô chạy dầu diesel, xe ô tô kinh doanh vận tải (taxi, xe hợp đồng…) có niên hạn khai thác trên 10 năm, xe máy cũ có niên hạn sử dụng lâu năm không đi vào vùng phát thải thấp.
Để hình thành các vùng phát thải thấp (vùng an toàn) được nêu trong Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua, UBND thành phố Hà Nội đang giao cho Sở TN&MT xây dựng dự thảo Nghị quyết Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố.
Từ Nghị quyết này, thành phố sẽ dựa vào một số tiêu chí về đặc điểm dân cư - kinh tế; mức độ ô nhiễm không khí; tính khả thi về hạ tầng giao thông... để xây dựng các vùng phát thải thấp. Dự kiến trong giai đoạn từ năm 2025 đến 2030 thành phố sẽ xây dựng các vùng có mức phát thải thấp theo 5 tiêu chí đã đưa ra để hạn chế phương tiện giao thông.