Trắng đêm xếp hàng

Khi hay tin một số phụ huynh đi sớm xếp hàng mua hồ sơ, nhiều phụ huynh khác cũng nháo nhào đến Trường THPT Phan Huy Chú với hy vọng giành được một suất học lớp 10 cho con. Chị T.M, một trong những người may mắn nộp được hồ sơ cho con vào trường này, cho biết, hơn 2 giờ sáng, chị và chồng có mặt tại cổng trường để xếp hàng, khi đó đã có nhiều phụ huynh đến trước và được chuyền tay danh sách ghi tên chờ theo số thứ tự. Đến hơn 5 giờ, nhà trường mở cổng để lấy số và chỉ vài chục phút sau đó là dừng. 7 giờ sáng, nhân viên nhà trường mới làm thủ tục tiếp nhận hồ sơ, nhưng ở ngoài cổng vẫn còn hàng trăm người xếp hàng chờ đợi được nộp hồ sơ.

Hình ảnh phụ huynh vạ vật trước cổng trường, trắng đêm chờ đợi để mua hồ sơ cho con vào học bậc THPT đã xuất hiện trên các diễn đàn mạng. Sự việc cũng khiến một số trường THPT ngoài công lập chưa tuyển sinh đủ chỉ tiêu lo lắng sẽ tiếp tục tái diễn cảnh xếp hàng chờ mua hồ sơ trong những ngày tới.

Không may mắn như chị M, anh Trần Văn Quang ở quận Hai Bà Trưng phải tay trắng ra về dù con thi đạt 41,25 điểm (thừa 0,25 điểm). Theo anh Quang, sau khi biết trượt nguyện vọng 1, con rất buồn. Bố mẹ động viên và định hướng sẽ nộp hồ sơ vào Trường THPT Phan Huy Chú, không ngờ chỉ chậm chân một chút đã bị loại khỏi cuộc đua vào trường.

Hơn 8 giờ sáng, Ban tuyển sinh Trường THPT Phan Huy Chú đã phải đăng thông báo dừng tuyển sinh vì đã nhận đủ hồ sơ. Nhiều phụ huynh thất vọng ra về.

Hà Nội thiếu trường lớp: Trách nhiệm quản lý - Ảnh 2.

Phụ huynh vạ vật xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơ vào Trường THPT Phan Huy Chú. Ảnh: phụ huynh cung cấp

Chiều hôm qua, trả lời báo chí, đại diện nhà trường cho biết, trước đó đã thông báo sẽ thu hồ sơ từ 7 giờ 30 phút nhưng nhiều phụ huynh đến xếp hàng từ đêm. Lo ngại tình trạng ùn ứ, xếp hàng kéo dài nên trường đành phải phát số thứ tự từ sớm để phụ huynh vào trường. Và thực tế, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường không đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh, học sinh nên những người đến muộn không còn số.

Trách nhiệm của lãnh đạo thành phố Hà Nội

Năm ngoái, phụ huynh phải bốc thăm may mắn để giành suất vào Trường Mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Ngay trong năm học 2022-2023, phụ huynh cũng phải xếp hàng xuyên đêm chờ mua hồ sơ trải nghiệm vào lớp 1 Trường Marie Curie, quận Nam Từ Liêm. Mới đây, hàng trăm phụ huynh chen lấn, xô đẩy, thậm chí giằng co nhau đến rách cả áo vì xếp hàng, tranh suất học ở Trường Tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông.

Những năm qua, ở bậc học nào, Hà Nội cũng thiếu trường lớp trầm trọng. Dù ngành giáo dục Hà Nội khẳng định, cơ sở vật chất các trường THPT công lập đáp ứng được 60% nhu cầu của học sinh nhưng đó là con số tính trung bình toàn thành phố. Nhiều trường vùng ngoại thành, vùng ven hằng năm không tuyển đủ học sinh, mức điểm trung bình/môn rất thấp. Ngược lại, ở các quận nội thành, học sinh đạt mức trên 8 điểm/môn, nhưng vẫn có thể trượt mất cơ hội học tập ở trường công lập.

Hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội phải thốt lên: “Rất đau lòng và thương phụ huynh”. Họ là những người chi tiền đầu tư giáo dục, đưa đón con hằng ngày và ngay cả khi con đạt mức điểm cao, kết quả tốt vẫn phải chạy ngược chạy xuôi để lo giành được suất học ở một ngôi trường nào đó.

GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, nói rằng, rất khó hiểu ngay tại Thủ đô Hà Nội, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước lại để xảy ra tình trạng thiếu trường, lớp. Tuy bậc THPT chưa phổ cập nhưng sự phân luồng phải phù hợp, đảm bảo lợi ích học tập của học sinh. Theo ông Dong, ở các quận nội thành, số lượng trường THPT công lập rất ít nên gây áp lực học tập, thi cử rất lớn lên vai những đứa trẻ ngay từ khi bước chân vào bậc THCS.

“Chứng kiến cảnh phụ huynh chen lấn, xô đẩy để xếp hàng bốc thăm, mua hồ sơ cho con vào học từ mẫu giáo đến tiểu học, THPT tôi thấy rất đau lòng, đáng tiếc”, ông Dong nói. Theo ông, để xảy ra tình trạng thiếu trường, lớp như hiện nay, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo các quận, huyện, thị xã mà trên hết là lãnh đạo TP Hà Nội. Ông lấy ví dụ, ở các phường nội đô, chung cư, nhà cao tầng mọc lên nhan nhản nhưng lại không xây trường, trong khi phải quy định bao nhiêu vạn dân phải có trường học.

“Nhà quản lý phải quyết liệt yêu cầu chủ đầu tư phải xây dựng trường học mới được phép bán nhà và ưu tiên quỹ đất để đầu tư xây trường, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân”, ông Dong kiến nghị.