Chiều 13/10, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức hội nghị về công tác tiêm chủng vaccine sởi – rubella. Theo kế hoạch, từ ngày 18/10, Hà Nội bắt đầu triển khai thí điểm tiêm chủng tại 10 quận, huyện trên địa bàn. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay.

Mọi phương tiện chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng sẵn sàng

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) Dự phòng Hà Nội, bệnh sởi và rubella hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vaccine là cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh. Chiến dịch tiêm vaccine sởi – rubella lần này sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm gánh nặng bệnh sởi, rubella và hội chứng rubella bẩm sinh trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi trong tương lai.

Ông Cảm cho biết thêm, toàn thành phố sẽ có 1,5 triệu trẻ từ 1-14 tuổi được tiêm vaccine sởi – rubella trong chiến dịch này. Đây là chiến dịch tiêm chủng dài nhất, đối tượng tiêm nhiều nhất. TTYT Dự phòng Hà Nội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các nhân viên y tế xã, phường, thị trấn về cách thức tổ chức, giám sát chiến dịch cũng như bảo quản, sử dụng vaccine, an toàn tiêm chủng, giám sát phản ứng sau tiêm chủng… Hiện nay, công tác chuẩn bị cho chiến dịch tiêm miễn phí sởi - rubella đã cơ bản hoàn tất, bảo đảm đúng kế hoạch đề ra. 

Bắt đầu từ ngày 18 - 25/10, Hà Nội triển khai tiêm thí điểm tại 4 quận (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên, Hà Đông) và 6 huyện (Thanh Trì, Đông Anh, Phú Xuyên, Thạch Thất, Phúc Thọ, Thường Tín), sau đó sẽ tiêm đại trà trên toàn TP và kết thúc chiến dịch vào ngày 31/1/2015. 

Ông cảm cho biết để xử lý nhanh các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng, TTYT Dự phòng Hà Nội đã yêu cầu các điểm tiêm chủng sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, thuốc chống sốc. Mặc dù vaccine sởi - rubella được coi là an toàn, hiếm khi xảy ra phản ứng phụ nhưng các đơn vị sẽ bố trí tổ cấp cứu tại chỗ, tổ cấp cứu cơ động thường trực trong những ngày tiêm chủng, sẵn sàng xử lý khi có trường hợp phản ứng sau tiêm. Ngoài ra, TTYT các quận, huyện, thị xã sẽ phân công cán bộ chuyên môn để theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ các trạm y tế nhằm bảo đảm cho công tác tiêm chủng diễn ra an toàn, đúng quy định.

Những trẻ mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng, sốt trên 37,5oC, trẻ mắc bệnh bạch cầu cấp, thiếu máu nặng, các bệnh về máu nghiêm trọng khác hoặc truyền máu sẽ được chỉ định hoãn tiêm chủng. Điểm đáng lưu ý là các bác sĩ không chỉ dựa vào tờ khai của gia đình trẻ, mà phải khám sàng lọc thật kỹ để loại trừ việc tiêm vaccine cho những trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, dị ứng... Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ trước, trong và sau tiêm chủng để phối hợp với cán bộ y tế xử lý nếu xảy ra phản ứng do tiêm vaccine. 

Hà Nội triển khai tiêm chủng sởi – rubella lớn nhất từ trước đến nay 1
Từ ngày 18/10, Hà Nội bắt đầu triển khai thí điểm tiêm chủng tại 10 quận, huyện trên địa bàn. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay. Ảnh minh họa

Triệu chứng của bệnh sởi và rubella

Bệnh rubella và bệnh sởi có triệu chứng phát ban khá giống nhau. Tuy nhiên, biểu hiện lâm sàng của rubella thường nhẹ hơn, chỉ biểu hiện rõ khi bệnh toàn phát.

Bệnh sởi thường gặp ở trẻ từ 1 tuổi trở lên, thời gian ủ bệnh từ 7 đến 10 ngày. Bệnh khởi phát trong 2 đến 3 ngày với các triệu chứng: Sốt đột ngột từ 38ºC trở lên, mắt ướt, kèm nhèm, ho, chảy nước mũi, tiêu chảy… Khi bệnh toàn phát, sẽ sốt cao 38,5 đến 39ºC, li bì, mệt mỏi, các ban sởi dày, mịn, xuất hiện đầu tiên ở sau tai, lan ra mặt, cổ xuống thân mình, tứ chi trong 1 đến 2 ngày. Bệnh sẽ lui khi hết sốt, ban bay dần theo trình tự mọc và để lại vết thâm trên da.

Bệnh rubella có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thời gian ủ bệnh từ 12 đến 14 ngày, khởi phát với các triệu chứng sốt nhẹ, các dấu hiệu mắt ướt, ho, chảy nước mũi, ỉa lỏng… nhưng gần như không thấy. Khi bệnh toàn phát, các biểu hiện mới rõ như mệt mỏi, sốt nhẹ, chảy nước dãi và rõ ràng nhất là nổi mẩn đỏ trên da giống như bệnh sởi. Trẻ ít khi nằm li bì, xung huyết mắt, da mặt, hạch to ở dọc hai bên cổ, không đau. Các nốt ban trên da dạng chấm đỏ rải rác, mọc không có quy luật. Có thể thấy đau khớp. Khi bệnh lui sẽ hết sốt, ban bay nhanh không theo quy luật, không để lại các dấu vết trên da, hạch trở về bình thường muộn hơn, thường sau 1 tuần.

Biến chứng của bệnh sởi và rubella

Rubella do nhóm siêu vi khuẩn thông thường gây ra, nên hầu hết là bệnh lành tính. Trẻ bị sốt phát ban nếu được chăm sóc đúng cách, hợp lý thì bệnh sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày mà không gây bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào. Tuy nhiên, rubella đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai. Nếu mắc rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ, 90% trẻ được sinh ra bị dị tật, thể trạng kém và dễ mắc các bệnh, như: điếc, đục thủy tinh thể, tật mắt nhỏ, tăng nhãn áp bẩm sinh, tật đầu nhỏ, viêm não, màng não, chậm phát triển tâm thần, gan to, lách to…

Còn sởi do virus có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đặc biệt là những trẻ có sức đề kháng yếu, như: sinh non, suy dinh dưỡng… Biến chứng thường gặp của sởi là do sự nhân lên của virus hoặc do bội nhiễm vi khuẩn gây ra các bệnh: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm thanh quản, phế quản, khí quản và viêm não. Một số biến chứng nặng dẫn đến tử vong.

Biện pháp hữu hiệu duy nhất phòng bệnh sởi và rubella là đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin

Để đảm bảo thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng, Bộ Y tế đã thiết lập bốn đường dây nóng giải đáp thắc mắc của phụ huynh liên quan đến các vấn đề tiêm chủng vaccine sởi - rubella. Theo đó, 4 đường dây nóng được đặt tại Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế (0963851919), Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (04.39721334), Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên (0986950569) và Viện Pasteur Nha Trang (0914103331).