Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Công văn 1767/SYT-NVY gửi UBND các quận, huyện: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Trì, Long Biên, Đông Anh, Hai Bà Trưng về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 928 trường hợp mắc sởi, trong đó có 10 quận, huyện có số mắc cao gồm: Hoàng Mai 123 trường hợp, Thanh Xuân 67 trường hợp, Nam Từ Liêm 65 trường hợp, Hà Đông 57 trường hợp, Đống Đa 48 trường hợp, Ba Đình 46 trường hợp, Thanh Trì 46 trường hợp, Long Biên 41 trường hợp, Đông Anh 39 trường hợp, Hai Bà Trưng 39 trường hợp.
Phòng bệnh hiệu quả cho trẻ bằng tiêm chủng vắc-xin.
Theo nhận định, số ca mắc có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, vì vậy, Sở Y tế đề nghị UBND quận, huyện có số ca mắc sởi cao tập trung chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn huy động lực lượng phối hợp với cán bộ y tế tại địa phương thường xuyên rà soát tiền sử tiêm chủng của các trẻ trong diện tuổi tiêm chủng để có kế hoạch tiêm vét đủ mũi vắc xin theo quy định. Mặt khác, chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo và tiểu học thường xuyên thực hiện việc rà soát tiền sử tiêm chủng của các trẻ đang học tại trường.
Đối với những trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ, nhà trường phải khuyến cáo để phụ huynh cho con em đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh, cương quyết không để dịch bệnh lây lan trong các cơ sở giáo dục.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, thường gặp ở trẻ nhỏ, trong đó đáng lo ngại nhất là bệnh sởi ở trẻ sơ sinh. Trẻ dễ bị lây nhiễm bệnh nếu ở những khu vực đông người như: Nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư…Đây cũng là căn bệnh dễ bùng phát thành dịch. Sau khi trẻ mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút khiến trẻ dễ mắc các bệnh kèm theo khác. Nếu trẻ không được điều trị đúng cách, hiệu quả và kịp thời, nguy cơ dẫn đến biến chứng nguy hiểm là tất yếu.
Các biến chứng của bệnh sởi bao gồm:
Viêm tai giữa cấp: Đây là biến chứng thường gặp nhất.
Viêm phổi nặng: Nguyên nhân thường do bội nhiễm các loại vi khuẩn khác, thời điểm xuất hiện biến chứng thường muộn sau khi phát ban. Các biểu hiện bao gồm: khó thở, thở nhanh, sốt cao, triệu chứng nhiễm trùng nặng, khi nghe phổi thấy ran nổ, công thức máu thấy bạch cầu tăng cao, trên phim X- quang thấy hình ảnh nốt mờ rải rác của viêm phổi.
Viêm não - màng não: Là biến chứng thần kinh quan trọng, có thể gây tử vong và để lại nhiều di chứng sau này. Biến chứng của bệnh sởi xuất hiện vào tuần đầu khi phát ban. Các biểu hiện bao gồm: sốt cao, co giật, các dấu thần kinh định vị như liệt nửa người, liệt dây thần kinh, rối loạn ý thức thậm chí hôn mê. Điều nguy hại là khi có biến chứng viêm não thì sau khi trẻ qua được cơn nguy hiểm tính mạng, cũng để lại nhiều di chứng nặng nề về thể chất và tinh thần về sau.
Biến chứng tiêu hóa: Viêm niêm mạc miệng, cam tẩu mã- tình trạng bội nhiễm xuất hiện muộn do một loại vi khuẩn hoại thư gây nên hoại tử niêm mạc miệng, xuất hiện tình trạng hơi thở có mùi hôi thối.., viêm ruột với biểu hiện tiêu chảy thường nặng nề hơn so với các tiêu chảy do virus khác.
Biến chứng mắt - loét giác mạc: Có thể gặp ở trẻ em bị suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, biến chứng này có thể để lại di chứng mù vĩnh viễn.
Suy dinh dưỡng hậu sởi.
Sảy thai, sinh non khi mắc sởi ở phụ nữ có thai.
Tiêm phòng là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh sởi ở trẻ em. Tiêm mũi 1: với trẻ 9 tháng tuổi và tiêm mũi vắc xin phối hợp sởi – rubella: với trẻ 18 tháng tuổi.
Bên cạnh đó, để ngăn bệnh sởi lây lan, trẻ mắc bệnh cần được cách ly, tránh lây truyền bệnh sang các đối tượng khác. Phải đeo khẩu trang nếu tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người đang nghi vấn bị sởi.
Cần chú ý giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh nơi ở bằng cách thường xuyên lau nhà, bàn, ghế, cầu thang, đồ chơi, nhà vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.