Dùng lươn hạ sốt có an toàn?
Theo kinh nghiệm của các mẹ, để hạ sốt được cho trẻ nhỏ thì phải dùng lươn tự nhiên, không dùng lươn nuôi. Lươn tự nhiên sống dưới lớp bùn đất sạch sẽ an toàn, còn lươn nuôi thì cho ăn nhiều thứ nên rất bẩn.
Kinh nghiệm chia sẻ hạ sốt cho con bằng lươn nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều mẹ khẳng định đã làm và thấy rất hiệu quả. Lươn để trên người trẻ sẽ hấp thu hết nhiệt giúp trẻ hạ sốt an toàn.
Bên cạnh đó, cũng có một số mẹ bày tỏ quan điểm sợ hãi khi thấy các mẹ áp dụng phương pháp điều trị hạ sốt cho con chưa được kiểm chứng.
Chưa được kiểm chứng nhưng không ít phụ huynh đã áp dụng hạ sốt cho con bằng lươn.
Lương Y Bùi Hồng Minh, Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình cho hay, trong y học cổ truyền có ghi chép lại rất nhiều bài thuốc hạ sốt hiệu quả và an toàn. Nhưng không có một tài liệu nào ghi chép dùng lươn để hạ sốt khi đang sốt cao.
"Trong Đông y lươn là động vật có tính hàn. Dùng hàn để hạ nhiệt độ cao về nguyên lý là đúng, nhưng không ai dùng lươn cho bò lên người để hạ sốt vì nó rất nguy hiểm. Bản thân con lươn sống ở nơi bùn bẩn, trên da mang những nhầy nhớt, cho lên người dính vào da trẻ có thể gây nhiễm trùng da", Lương y Bùi Hồng Minh nói.
"Lươn chỉ được dùng làm thuốc khi đã làm sạch nhầy nhớt, bóp muối. Sau đó, lươn sẽ chế biến thành món ăn khi đó mới hiệu quả", Lương y Bùi Hồng Minh khẳng định.
"Dân gian có nhiều bài thuốc nam, cây cỏ có khả năng hạ sốt rất tốt như rau diếp cá, cỏ nhọ nhồi, má đề, rau má… Tôi khuyên các mẹ khi áp dụng các phương thuốc truyền miệng trị bệnh cho con cần phải cân nhắc. Chỉ cần dùng những cây cỏ đơn giản đã được kiểm chứng hạ sốt an toàn, không cần áp dụng những biện pháp cao siêu", Lương Y Bùi Hồng Minh nói.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa HN, dùng lươn cho trườn trên người trẻ nhỏ để hạ sốt thực tế chỉ là một mẹo dân gian một số người dùng có thể có hiệu quả nhưng không phải ai dùng cũng được. Về mặt khoa học phương pháp này không có căn cứ, áp dụng cho trẻ nhỏ sẽ rất nguy hiểm.
"Lươn là loại động vật sống ở tầng đáy bên dưới lớp bùn nên nó có khả năng nhiễm ký sinh trùng và những độc tố khác. Khi một con lươn sống cho bò lên người trẻ nhỏ khiến cho trẻ sợ hãi và rất mất vệ sinh. Vì lươn có rất nhiều nhớt trên da, trong nhầy nhớt có nhiều vi khuẩn", PGS.TS Thịnh nói.
Khi làm lươn để khử mùi tanh loại bỏ nhầy nhớt của lươn người ta thường phải cho tro bếp, sau đó bóp muối. Cách làm này sẽ loại bỏ được nhầy nhớt vi khuẩn, vi trùng của con lươn. Tuy nhiên, nếu làm như vậy con lươn sẽ chết.
Nếu trẻ sốt xuất huyết mà dùng lươn bò lên người thì nguy hại vô cùng, nguy cơ nhiễm trùng rất lớn (Ảnh minh họa).
PGS.TS Thịnh cho hay, dùng lươn sống không xử lý được nhầy nhớt bẩn có trên cơ thể lươn, để lươn bò trực tiếp trên da trẻ nhỏ khiến nguy cơ da trẻ bị nhiễm trùng rất cao. Da trẻ nhỏ rất nhạy cảm, khả năng kháng khuẩn kém rất dễ bị nhiễm vi sinh vật ngoại lai vào cơ thể.
"Không nên sử dụng các mẹo chưa có cơ sở khoa học lợi bất cập hại. Đặc biệt, thời gian gần đây bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát nếu trẻ sốt xuất huyết mà dùng lươn bò lên người thì nguy hại vô cùng, nguy cơ nhiễm trùng rất lớn", PGS.TS Thịnh nói.
Sốt chỉ là triệu chứng, không phải là bệnh
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sốt chỉ là một triệu chứng, không phải là bệnh. Trẻ nhỏ có thể sốt do nhiều nguyên nhân khác nhau. Về bản chất sốt không phải là xấu, vì sốt là cách để bảo vệ cơ thể, giúp trẻ đánh bật các loại vi trùng, vi khuẩn ra khỏi cơ thể. Đó là một phản ứng tốt của cơ thể. Chỉ khi trẻ sốt cao kèm theo co giật, trẻ mệt mỏi, li bì... mới đáng lo ngại.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo, trẻ bị sốt vẫn chơi và ăn uống bình thường, trẻ không mệt thì chưa cần phải dùng thuốc. Trẻ sốt có những dấu hiệu khó chịu, quấy khóc, khô miệng… cần phải dùng tới thuốc hạ sốt nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý dùng 2 loại thuốc hạ sốt cùng một lúc vì dễ xảy ra quá liều, nguy hiểm cho trẻ.