Dự luật hiện vẫn cần có sự chấp thuận của Thượng viện và sự phê chuẩn của Nhà Vua trước khi chính thức đi vào hiệu lực. Dự luật Hôn nhân đồng giới đã nhận được sự ủng hộ của tất cả các đảng chính trị lớn ở Thái Lan và được 400/415 Hạ nghị sĩ tham gia bỏ phiếu tán thành.

Phát biểu tại Quốc hội vào sáng 27/3 trước khi Dự luật được thông qua trong lần đọc cuối cùng, Nghị sĩ Danuphorn Punnakanta, Chủ tịch ủy ban Quốc hội phụ trách Dự thảo luật, khẳng định Dự luật sẽ giúp giảm bớt sự chênh lệch trong xã hội và mang lại sự bình đẳng cho mọi người dân Thái Lan.

Hạ viện Thái Lan thông qua Dự thảo Luật Hôn nhân đồng giới - Ảnh 1.

Cuộc diễu hành LGBTQ Pride tại Bangkok, Thái Lan ngày 4/6/2023 có sự tham gia của lãnh đạo Đảng Vì nước Thái (Pue Thai) Peatongtan Shinawatra. Ảnh: Ngọc Diệp

Việc thông qua dự luật đánh dấu một bước quan trọng trong nỗ lực củng cố vị thế của Thái Lan là một trong những xã hội tự do nhất châu Á về các vấn đề đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới, với thái độ cởi mở và tự do cùng tồn tại với các giá trị Phật giáo truyền thống hay tư tưởng bảo thủ.

Thái Lan từ lâu đã là điểm đến du lịch hấp dẫn đối với các cặp đôi đồng giới trên toàn thế giới cùng nhiều chiến dịch nhắm mục tiêu thu hút khách du lịch trong cộng đồng LGBT.

Dự luật sẽ chính thức đi vào hiệu lực trong vòng 120 ngày kể từ ngày Hoàng gia phê chuẩn. Thái Lan sẽ nối gót Đài Loan (Trung Quốc) và Nepal trở thành những điểm đến đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

Việc xây dựng Dự luật Hôn nhân đồng giới tại Thái Lan đã kéo dài suốt hơn 1 thập kỷ qua. Vào năm 2020, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã ra phán quyết cho rằng Luật Hôn nhân hiện hành của Thái Lan, vốn chỉ công nhận các cặp vợ chồng dị tính, là hợp hiến, đồng thời khuyến nghị mở rộng luật để đảm bảo quyền của các giới tính khác.

Vào tháng 12/2023, Quốc hội Thái Lan đã thông qua 4 dự thảo luật khác nhau về Hôn nhân đồng giới trong lần đọc đầu tiên và giao nhiệm vụ cho một ủy ban hợp nhất chúng thành một dự thảo duy nhất.