Theo trang The Guardian (Anh), Haarlem, thành phố 160.000 dân nằm phía Tây thủ đô Amsterdam của Hà Lan, sẽ ban hành lệnh cấm quảng cáo thịt tại nơi công cộng từ năm 2024 tại các địa điểm công cộng như xe bus, nhà chờ hay màn hình lớn, sau khi loại thực phẩm này được đưa vào danh sách các sản phẩm gây ra khủng hoảng khí hậu.
Giới chức thành phố đã thông qua quyết định này như một biện pháp khuyến khích người dân giảm tiêu thụ thịt, qua đó giảm phát thải nhà kính trong lĩnh vực chăn nuôi.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, ngành chế biến lương thực toàn cầu chiếm khoảng 1/3 tổng lượng phát thải khí nhà kính trên Trái đất. Trong đó, việc lấy thịt từ động vật gây ô nhiễm cao gấp đôi so với sản xuất thực phẩm từ thực vật.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối của nhiều doanh nghiệp trong ngành kinh doanh thịt. Họ cho rằng lệnh cấm là “hành động thái quá trong việc nói cho người dân biết điều gì tốt nhất với họ”.
Nhiều khu rừng đã bị chặt hạ để chăn thả gia súc. Trong khi đó, phân bón được sử dụng để trồng trọt thực phẩm nuôi gia súc rất giàu nitrogen, có thể gây ô nhiễm không khí và nước, biến đổi khí hậu và suy giảm tầng ozone.
Bà Ziggy Klazes, Ủy viên Hội đồng thành phố Haarlem, người đã soạn thảo đề xuất cấm quảng cáo thịt, nói rằng bà không biết Haarlem sẽ là thành phố đầu tiên trên thế giới thực thi chính sách này khi đề xuất nó. Bà cũng thừa nhận chính sách mới chắc chắn gặp phải một số phản đối, nhưng ý tưởng này cũng sẽ có nhiều người ủng hộ.
Lệnh cấm còn được áp dụng đối với các quảng cáo chuyến bay nghỉ lễ, nhiên liệu hóa thạch và xe hơi. Lệnh cấm chỉ có hiệu lực từ năm 2024 là do các công ty quảng cáo vẫn còn hợp đồng với doanh nghiệp bán những sản phẩm này.
Nghiên cứu của tổ chức Hòa bình xanh chỉ ra rằng để đạt được mục tiêu không phát thải ròng của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2050, mức tiêu thụ thịt phải giảm xuống 24 kg/người mỗi năm, so với mức trung bình hiện tại là 82 kg/người/năm. Còn tại Hà Lan, nước xuất khẩu thịt lớn nhất của EU, mức tiêu thụ thịt hiện nay là 75,8 kg/người/năm.