Hai anh em ruột ở Phú Thọ cưới cùng một ngày, phụ huynh ban đầu e ngại, sau lại đồng ý
Khi hai con trai đề xuất ý tưởng tổ chức đám cưới gộp chung một ngày, bà Phạm Thị Dung phản đối vì cho rằng từ trước tới nay ít ai làm như vậy.
Mạng xã hội mới đây chia sẻ hình ảnh về một đám cưới đặc biệt tại Phú Thọ. Hai cặp đôi cô dâu - chú rể cười rạng rỡ trong buổi lễ thành hôn. Trong một bức ảnh khác, người mẹ đỡ tay hai cô con dâu tiến vào lễ đường trong sự vỗ tay của hàng trăm quan khách. Niềm hạnh phúc "song hỷ lâm môn" khiến cộng đồng mạng thích thú, ngưỡng mộ.
Đám cưới đặc biệt ở Phú Thọ xôn xao mạng xã hội (Ảnh: Đức Tàu)
Theo tìm hiểu, đám cưới được nhắc tới tổ chức vào ngày 20-21/1 vừa qua, tại xã Ca Đình, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Hai chú rể là hai anh em ruột. Cặp đôi đầu tiên là anh Nguyễn Thụ (SN 1993 - anh trai) - cô dâu Thu Hường (SN 2001, quê Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Cặp còn lại là anh Nguyễn Hậu SN 1996 - em trai) - cô dâu là Phương Thảo (SN 2002, quê Hạ Hòa, Phú Thọ).
Chia sẻ với chúng tôi, anh Thụ cho biết, đám cưới của hai anh em được lên kế hoạch trong vòng khoảng 3 tháng. Gia đình anh Thụ có 9 anh em, trong đó có 8 trai 1 gái. Anh Thụ là con trai thứ 8, còn anh Hậu là con trai út.
"Nhà chỉ còn hai anh em chưa lập gia đình nên chúng tôi đề xuất với mẹ, gộp chung thành một đám cưới. Còn hai đứa út, thôi thì cưới nốt. Cả hai nhà gái đều ủng hộ, vì nhà tôi neo người, bố đã mất, chỉ còn mẹ", anh Thụ chia sẻ.
Anh Thụ và chị Hường yêu nhau đã 2 năm, còn anh Hậu - chị Thảo có khoảng thời gian đồng hành bên nhau được khoảng 5 năm.
Đám hỏi của hai anh em được tổ chức riêng từ trước đó. Việc chuẩn bị cỗ bàn cho đám cưới được sự hỗ trợ toàn lực của mẹ là bà Phạm Thị Dung cùng các con dâu, con rể trong gia đình.
Niềm vui nhân đôi cũng góp phần tạo điều kiện thuận tiện cho bạn bè, lối xóm tham dự, bớt được thời gian hai lần tham dự tiệc. Song đây là điều rất hi hữu bởi trong phong tục của người Việt cho rằng đôi cưới sau sẽ bị mất lộc...
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, tục kiêng cữ này dần dần bị xóa bỏ bởi nhiều người cho rằng đây chỉ là một quan niệm được hình thành trên cơ sở niềm tin và hoàn toàn không có chứng minh khoa học cụ thể.
"Mẹ tôi cũng giục hai đứa mau cho mẹ ăn cỗ nhưng không phải tổ chức cùng ngày. Ban đầu bà phản đối và bảo không ai cưới một ngày như vậy. Sau tôi và Hậu thuyết phục, mẹ suy nghĩ rồi cũng đồng ý.
Bây giờ không phải như thời xưa, mình không nên mê tín dị đoan quá. Mọi người trong họ bảo, lúc đón dâu về anh trai nên đi trước, em nên đi sau, nhưng tôi không đồng ý. Tôi muốn hai chị em dâu bước vào sân khấu cùng nhau", anh Thụ bày tỏ.
Do khoảng cách địa lý nên hai cặp đôi phải căn giờ đi đón dâu. Từ Phú Thọ xuống Vĩnh Phú khoảng 1 tiếng rưỡi, anh Thụ đi từ 5h sáng, còn Hậu đi muộn hơn chút.
"Hai anh em tôi hẹn nhau 10 giờ sáng có mặt ở cổng làng. Vừa kịp thời gian", anh Thụ cho biết.
Hiện anh Thụ đang làm phó giám đốc cung ứng nhân lực ở Vĩnh Phúc, còn anh Hậu làm kinh doanh mảng du lịch. Được biết đám cưới của hai anh em đón khoảng 300 - 400 khách/mỗi ngày. Tổng chi phí rạp cưới, cỗ bàn hết khoảng 300 triệu.
"Mọi người tổ chức họp bàn, đưa ra ý kiến trong nhiều ngày để tạo điểm nhấn đặc biệt nhất cho đám cưới. Sự đoàn kết của tất cả anh chị em trong gia đình, dồn toàn tâm toàn lực tổ chức một đám cưới đúng như ý nguyện, đó là điều khiến chúng tôi tự hào nhất", anh Thụ bày tỏ.