Hải Băng phải mổ áp xe vú khi con trai út hơn 2 tuổi: ''Trải nghiệm hết hồn, chỉ có phụ nữ mới hiểu được nỗi đau này''

San San,
Chia sẻ

Nữ ca sĩ khiến mọi người lo lắng vì tình trạng sức khỏe của bản thân.

Được mệnh danh là bà mẹ ''liều lĩnh'' nhất showbiz Việt khi sinh mổ các con quá sát nhau, Hải Băng khiến người hâm mộ thở phào khi sinh thành công con trai út dù bác sĩ đã cảnh báo trước đó. Hiện tại, các bé nhà nữ ca sĩ đều đã lớn, ngoan ngoãn và khoẻ mạnh. Hải Băng cũng thường xuyên chia sẻ cuộc sống hạnh phúc và viên mãn với chồng cùng các con trên trang cá nhân. 

Tuy nhiên mới đây, bà mẹ 3 con khiến nhiều người không khỏi lo lắng khi chia sẻ mắc một căn bệnh mà nhiều chị em phụ nữ sau sinh cảm thấy rất sợ hãi. Đó là bệnh áp xe vú. 

Bà mẹ 3 con vừa tiến hành mổ áp xe vú. 

''Trải nghiệm hết hồn. Chỉ có phụ nữ mới được đau kiểu này. Mình không cho bé út bú mẹ. Khi phát hiện bị hiện tượng áp xe thì đã uống thuốc. Tuy nhiên một thời gian sau nó bị tái lại, kéo dài hơn 2 năm không trị được nên mới quyết định đi mổ", Hải Băng chia sẻ.

Cũng theo nữ ca sĩ, cô khuyên các mẹ bỉm nên đi khám để phát hiện sớm nhất các bệnh nếu có vì bản thân bà mẹ 3 con biết bệnh nhưng lại để lâu không chữa dứt điểm. May mắn là mọi thứ suôn sẻ, sau vài ngày nằm viện thì Hải Băng đã được về nhà với sức khoẻ tốt. 

Áp xe vú là bệnh gì?

Áp xe vú là một dạng nhiễm trùng do vi khuẩn, gây ra hiện tượng sưng, đỏ, có hạch ấn thấy đau và có thể có mùi hôi ở vú. Có thể chẩn đoán bệnh thông qua các dấu hiệu áp xe vú thường gặp như:

- Bệnh nhân sốt cao, rét run. 

- Vú sưng - nóng - đỏ - đau, khi thăm khám thấy các nhân mềm, có ổ chứa dịch ấn lõm. Hạch nách ấn đau, sữa có lẫn mủ vàng. 

- Siêu âm vú có nhiều ổ chứa dịch. 

- Xét nghiệm Công thức máu: bạch cầu trung tính tăng 

- Xét nghiệm CRP (C - reactive protein) tăng. 

- Chọc dò ổ viêm có mủ, cấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ. 

- Trong một số trường hợp, áp xe vú có thể là dấu hiệu ung thư vú.  

Bệnh này có nguy hiểm không?

Áp xe vú là tình trạng thường gặp ở những bà mẹ cho con bú. Những triệu chứng bệnh như đau nhức, sưng, sốt, phù nề... không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt, mà còn gây tâm trạng lo lắng, bất an.

Khoảng 10% đến 30% trường hợp áp xe vú xảy ra ở phụ nữ sau khi mang thai và đang cho con bú. Áp xe vú cũng có thể xảy ra ở những phụ nữ thừa cân, có ngực lớn hoặc những người không giữ gìn vệ sinh cá nhân.

Một loại áp xe vú có thể gặp ở phụ nữ không cho con bú là áp xe dưới quầng vú. Áp xe dưới quầng vú là khối nhiễm trùng chỉ gặp ở khu dưới quầng vú (vùng da thẫm màu xung quanh núm vú).

Hải Băng phải mổ áp xe vú khi con trai út hơn 2 tuổi: ''Trải nghiệm hết hồn, chỉ có phụ nữ mới được đau kiểu này'' - Ảnh 2.

Hải Băng cho biết cô đã bị bệnh một thời gian dài nhưng uống thuốc không trị được dứt điểm.

Cách điều trị bệnh áp xe vú

- Nghỉ ngơi nhiều, không cho con bú bên vú bị áp xe.

- Nên ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa nhưng đảm bảo đủ dinh dưỡng để nhanh hồi phục sức khỏe.

- Chỉ cho con bú bên không bị áp xe hoặc vắt sữa ra cho con bú ngoài để tránh tình trạng nhiễm khuẩn cho trẻ.

- Xoa bóp nhẹ nhàng, chườm nóng, vắt bỏ sữa để hỗ trợ thông tuyến sữa.

- Thực hiện uống thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc giảm đau và thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

- Trong trường hợp uống thuốc không điều trị triệt để bệnh, bên vú áp xe sẽ được chích rạch, dẫn lưu tháo mủ. Chỉ cần chích nặn mủ đối với áp xe vùng da nông. Đối với áp xe sâu bên trong, chích áp xe theo đường nan hoa ở chỗ nông nhất nhưng phải cách núm vú từ 2 cm đến 3 cm. Sau khi tháo mủ bác sĩ sẽ đặt ống dẫn lưu. Hàng ngày, vú áp xe sẽ được bơm rửa các ổ dịch bằng dung dịch sát khuẩn, kết hợp với dùng thuốc kháng sinh toàn thân.

Biện pháp phòng bệnh

- Sau khi sinh con mẹ nên mát xa nhẹ nhàng bầu vú để ống dẫn sữa thông thoát và cho con bú sớm ngay sau sinh, bú thường xuyên và bú đúng tư thế. 

- Vệ sinh núm vú đúng cách và sạch sẽ trước và sau khi cho con bú. 

- Nên cho trẻ bú hết sữa và luân phiên hai bên vú, nếu không, phải vắt hết sữa thừa sau mỗi lần con bú. 

- Nếu có hiện tượng tắc tia sữa, phải điều trị kịp thời để thông ống dẫn sữa. Để tránh bị tắc tia sữa, bạn có thể xoa bóp bằng tay, chườm nóng, chiếu đèn hồng ngoại hoặc hút sữa bằng máy... 

- Tránh làm nứt hoặc xước núm vú vì đây là điều kiện tốt để vi khuẩn xâm nhập làm viêm tuyến sữa; cũng nên tránh để da bị khô nẻ. Nên mặc áo ngực phù hợp, vừa vặn... để tránh gây tổn thương vú. 

- Không cai sữa sớm, khi cai sữa, nên giảm dần số lượng và số cữ bú từ từ.

Chia sẻ