Qua thăm khám các bác sỹ nhận định người bệnh bị bỏng độ 2-3, diện tích khoảng 20% và xuất hiện tình trạng nhiễm trùng. Người nhà người bệnh cũng thừa nhận không rõ loại thuốc và có tác dụng như thế nào chỉ sử dụng theo kinh nghiệm dân gian.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên bị biến chứng do người bệnh tự ý đắp thuốc nam chữa bỏng.
Tại Bệnh viện đa khoa Phú Thọ, mỗi năm khoa chấn thương tiếp nhận 100-150 bệnh nhân bị bỏng sâu nhập viện điều trị. Trong đó, không ít bệnh nhân tự điều trị bỏng tại nhà khi dùng thuốc lá, thuốc nam đắp lên vùng tổn thương bỏng.
Việc làm này khiến xu hướng nhiễm trùng, tăng độ sâu bỏng gây khó khăn hơn trong quá trình điều trị như: kéo dài thời gian điều trị, tốn kém chi phí, khó phục hồi thậm chí để lại di chứng nặng nề…
Bỏng là tai nạn thường gặp trong đời sống sinh hoạt và lao động, có thể gặp cả ở người lớn và trẻ em, có xu hướng ngày càng gia tăng nhất là vào dịp hè thời tiết oi bức, trẻ được nghỉ hè.
Bỏng không những gây ảnh hưởng tổn hại tới sức khỏe trước mắt mà còn để lại những hậu quả lâu dài, đặc biệt ở trẻ em.
Ths.Bs Đặng Thị Thanh Bình - Phó trưởng Khoa Chấn thương II, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ cho biết, có 4 nguyên nhân gây nên tình trạng bỏng. Đó là bỏng nhiệt; bỏng điện, bỏng hoá chất, bỏng bức xạ.
Thường gặp nhất là bỏng nhiệt (ướt, khô) gồm: bỏng nước sôi, canh, hơi nước nóng bàn là; bỏng lửa, bỏng bếp ga…
Bị bỏng cần được xử lý như thế nào để hạn chế thấp nhất các vi khuẩn xâm nhập vào vết thương do bỏng?
Đối với tổn thương bỏng nếu bệnh nhân được xử lý sơ cứu đúng cách ngay từ đầu thì hạn chế nhiều hậu quả. “Đến với chúng tôi, nhiều bệnh nhân – là những em bé ở vùng cao được người lớn đưa đến trong tình trạng sơ cứu không đúng, bệnh nhân được đắp thuốc nam, được đắp các loại chất không rõ nguồn gốc. Do đó, bệnh nhân đến trong tình trạng nguy kịch, rất đáng tiếc’, BS Thanh Bình cho hay.
Vì thế, vị bác sĩ này cho biết việc sơ cứu bỏng vô cùng quan trọng cho việc chẩn đoán và điều trị. Theo đó, với mỗi tác nhân gây bệnh có phương án sơ cứu khác nhau tuy nhiên gộp chung vào có 5 bước.
Cụ thể:
Bước 1: Nhanh chóng loại bỏ tác nhân gây bỏng ra khỏi cơ thể. Đối với bỏng nước, bỏng lửa phải loại bỏ tác nhân đó, đưa bệnh nhân ra khỏi hiện trường. Sau đó, cởi bỏ quần áo ở những vùng tổn thương (nước nóng, cháy) ra khỏi cơ thể nhằm bộc lộ được tổn thương bỏng.
Bước 2: Ngâm rửa tổn thương bỏng dưới vòi nước sạch– trong 30 phút đầu sau khi bỏng. Chỉ cần sử dụng nước sạch: nước giếng khoan, nước máy, nước đun sôi để nguội tránh sử dụng nước nóng hoặc lạnh.
Bước 3: Sau khi ngâm xong, bệnh nhân cần được che phủ tạm thời các vết thương bỏng bằng gạc y tế nếu có hoặc sử dụng khăn mặt sạch, khăn xô sạch để che phủ hoặc băng ép nhẹ để trong quá trình vận chuyển tránh tình trạng nhiễm trùng lên các vết thương bỏng.
Bước 4: Bồi phụ nước và điện giải trong quá trình vận chuyển cho bệnh nhân uống nước orezol nếu có, không có nước này thì có thể cho uống cháo loãng với trẻ đang bú mẹ thì tiếp tục cho con bú.
Bước 5: Nên chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá và tiên lượng về bỏng.
Mặc dù hiện nay có rất nhiều tiến bộ trong điều trị tổn thương bỏng nhưng BS Thanh Bình cũng nhấn mạnh không thể hạn chế các di chứng của bỏng. Di chứng để lại trên cơ thể nạn nhân bỏng rất nhiều về thẩm mỹ và chức năng.
“Có trường hợp dẫn tàn phế suốt đời. Di chứng thường gặp là để lại những sẹo bỏng trên da, ở trẻ em thường gặp những sẹo dính rất nhiều… Do đó, sau khi điều trị bỏng bệnh nhi thường phải quay lại rất nhiều để các bác sĩ điều trị di chứng.
Ngoài những di chứng về sẹo trên da, đối với tổn thương bỏng điện bệnh nhân phải cắt cụt để lại các mỏm cụt khiến bệnh nhân chịu tàn phế suốt đời hoặc những tổn thương ở những bộ phận ở tai mắt sẽ ảnh hưởng chức năng, thẩm mỹ.
Một di chứng nặng nề khác đối với tổn thương sẹo bỏng không xuất hiện ngay mà xuất hiện sau nhiều năm- ung thư hoá trên nền sẹo bỏng. Những trường hợp này đến với chúng tôi thường sau bỏng 20- 30 năm với những vết loét ung thư trên nền sẹo bỏng. Trường hợp này buộc chúng tôi phải tiến hành cắt bỏ điều trị và sử dụng các phương pháp hoá trị liệu cho bệnh nhân”, BS Thanh Bình cảnh báo.
Nhằm hạn chế thấp nhất di chứng do bỏng, BS Thanh Bình khuyến cáo “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, mọi người dân cần chủ động trong công việc, sinh hoạt, lao động hàng ngày. Trong lao động đảm bảo các biện pháp an toàn lao động; còn trong sinh hoạt đối với các gia đình có trẻ nhỏ cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn, với những vật dụng là tác nhân gây bỏng cần phải được để xa tầm với của trẻ tránh tai nạn đáng tiếc.
Đặc biệt, trong trường hợp không may bị bỏng, người dân tuyệt đối không đắp, bôi bất kỳ thứ gì lên vết bỏng theo kinh nghiệm dân gian.