Giữa đình làng, tiếng gõ chiêng vang lên đều đặn từng hồi. Nam và Hiếu (16 tuổi) mặt tô son thoa phấn, đầu chít khăn mỏ quạ, mặc áo mớ ba mớ bảy. Mắt hai đứa nhỏ lúng liếng đưa tình, miệng cười xinh trong những bước nhảy thướt tha duyên dáng. 2 "con đĩ" trẻ tuổi nhất của làng Triều Khúc (xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) đang thực hiện những động tác múa rõ là lẳng lơ nhưng hết sức vô giá.
Giữa nhịp sống hối hả của thời đại, ở đó - tại ngôi làng cổ xưa trong lòng Hà Nội, điệu múa "con đĩ đánh bồng" vẫn chứng minh sức sống trường tồn của nó. Đã ngàn năm trời đi qua, và dù thêm ngàn năm mới nữa thì điệu múa cổ này chắc hẳn sẽ không bao giờ ngớt tính độc đáo và lạ kỳ.
Clip: Hai chàng trai 16 tuổi má phấn môi son múa điệu "con đĩ đánh bồng". Thực hiện: Hòa Trần.
Nghìn năm lả lơi vũ khúc "con đĩ đánh bồng"
Tục xưa kể rằng, vào thế kỷ thứ 8, vua Phùng Hưng Bố Cái Đại Vương tập kết các nghĩa sĩ tại làng Triều Khúc để bao vây đạo quân nhà Đường. Để khích động tướng sĩ và cũng là để giải trí cho nghĩa quân, nhà vua đã cho binh lính đóng giả làm gái, ăn mặc sặc sỡ và đeo trống múa bồng. Kể từ đó, hàng năm vào mùa xuân, từ ngày 9 đến 12 tháng Giêng Âm lịch, dân làng lại tổ chức lễ hội rước Thành Hoàng Phùng.
Trong lễ rước trang trọng, lễ hội của cả làng có nhiều nghi thức từ xưa truyền lại. Đặc biệt, rất nhiều điệu múa được tổ chức linh đình, hấp dẫn và thu hút người xem. Quan trọng nhất là điệu múa trống bồng hay còn gọi là múa "con đĩ đánh bồng". Chính xuất phát từ điệu múa cổ này mà cho tới giờ, làng Triều Khúc vẫn giữ nguyên bản không hề thay đổi thêm bớt.
Đã ngàn đời nay, điệu múa "con đĩ đánh bồng" là "đặc sản" của làng Triều Khúc.
Trước kia từ "đĩ" không phải là một từ mang ý nghĩa tiêu cực. Nó chỉ dùng để ám chỉ những người con trai giả dạng nữ nhân. Cũng bởi vì thấy thuộc hạ nam nhân giả gái, múa may quá lả lơi mà nhà vua Phùng Hưng gọi họ là những "con đĩ". Dù từ này ở thời thế bây giờ được dùng như một câu chửi tục hay nói về những người phụ nữ làm nghề "bán hoa". Tuy nhiên trong điệu múa "con đĩ đánh bồng" lại không hề có nữ nhân. Bởi thế dù thời cuộc đã thay đổi, người làng Triều Khúc vẫn quyết định giữ lại tên gọi cũ.
Về thăm làng Triều Khúc, không ai không biết tới nghệ nhân Triệu Đình Hồng (73 tuổi) - người đã dành 45 năm gắn bó, phát triển điệu múa "con đĩ đánh bồng". Nói về nét văn hóa đặc sắc của làng mình bằng cả tấm lòng tự hào, ông Hồng tâm sự: "Cái điệu "con đĩ đánh bồng" ngày trước đều phải trai giả gái hết. Lúc đầu không có đàn bà, nhà vua mới lấy nam giới đóng giả thành nữ giới để mua vui cho nhà vua xem. Còn chính thức điệu múa này nó như một điệu múa ba-lê cũ, 1 nam 1 nữ mới đúng, tươi với nhau, tựa lưng vào nhau có nên thơ không".
Trong mỗi lần hội làng Triều Khúc, ít nhất phải có 6 "con đĩ" nhảy điệu múa bồng. Họ đều phải là trai tân chưa vợ, mặt mũi khôi ngô tuấn tú, tươi tắn, ngoan ngoãn, con nhà gia giáo. Mặt thoa da phấn, môi son, má phấn, mặc đồ giả gái, khoác trống bồng trước ngực, nhảy những điệu múa phải cực kỳ lả lơi, quấn quýt bên nhau. Điệu múa đánh bồng cực phóng khoáng, dứt khoát mạnh mẽ, nhưng cũng rất mềm mại, linh hoạt. Chỉ có mấy động tác đơn giản như xoay tròn, dựa lưng, úp mặt vào ngực nhau nhưng quả thực mang cái dáng dấp "kiểu cách", "sang chảnh" không phải ai cũng bắt chước được.
Nghệ nhân Triệu Đình Hồng (73 tuổi) - người đã dành 45 năm gắn bó, phát triển điệu múa "con đĩ đánh bồng".
Ông Hồng cẩn thận chăm chút cho từng vũ công.
Phải nói là ngoài làng Triều Khúc, một số làng trên cả nước cũng sinh ra điệu múa "con đĩ đánh bồng". Nhưng cái nguồn, cái gốc rễ chắc chắn chỉ có ở ngôi làng của vua Phùng Hưng Bố Cái Đại Vương này.
"Chỉ có điệu múa trống bồng Triều Khúc làng tôi là chính thống, không đâu sánh bằng. Có đội múa nào đi tới đâu người dân vỗ tay rầm rộ nhưng chúng tôi đâu. Tôi cố gắng bao nhiêu năm nay để bảo tồn và phát huy điệu múa này", ông Hồng trăn trở trong những ngày Triều Khúc vào mùa lễ làng.
Hầu hết các chàng trai đều phải tự trang điểm trước khi trình diễn.
Thành thử đánh phấn môi son với 2 chàng trai cũng không khó khăn gì.
Trang điểm trai giả gái, nỗi sợ bị người đời nói ra nói vào
Sáng chủ nhật một ngày đầu xuân tại làng Triều Khúc, chúng tôi được gặp và nói chuyện với Nam và Hiếu. Hai thanh niên chỉ mới 16 tuổi nhưng hễ khi tiếng chiêng vang lên, bỗng hóa mình thành những "con đĩ" điệu nghệ vô cùng. Ánh mắt duyên dáng, đôi môi cười xinh, tay chân uyển chuyển trong tà áo sặc sỡ, 2 chàng trai trẻ tuổi nhất làng Triều Khúc chứng minh sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống của điệu múa ngàn năm tuổi.
Điều khó với các chàng trai đóng vai "con đĩ" đánh bồng là làm sao thể hiện được nguyên hồn cốt, thần thái của điệu múa. Tô son phải tô đậm, má cũng thật hồng, khăn mỏ quạ, áo mớ ba mớ bảy đan xen nhau. Những dải lụa màu rực rỡ được khoác thêm lên người để khi xoay sẽ tạo thành những vòng tròn kỳ ảo và biến hóa gây cho người xem một hiệu ứng thị giác vừa đẹp mắt lại vừa thần bí.
Nam và Hiếu - Hai chàng trai 16 tuổi "lão luyện" điệu "con đĩ đánh bồng".
Cả Nam và Hiếu bắt đầu tập múa điệu "con đĩ đánh bồng" từ năm 12, 13 tuổi. Hàng tháng, 2 em lại đều đặn ra đình làng "ôn bài" với các thành viên khác. Nên thành ra chẳng cần chuẩn bị nhiều, cứ hễ cảm được tiếng trống hay tiếng chiêng, hai đứa như "hòa" vào nhau lả lơi nhảy, đôi mắt đong đưa trìu mến.
"Tụi em tập cũng được 3,4 năm nay rồi. Tuy thỉnh thoảng có mệt nhưng được cụ Hồng hướng dẫn tận tình nên tụi em rất biết ơn. Cứ vào dịp lễ hội cả nhóm lại tham gia vào điệu múa truyền thống phục vụ người dân". Chẳng cần nói gì nhiều, chỉ cần nhìn cách 2 đứa mặc trang phục rồi đánh phấn, tô son cho nhau là quá rõ để nói về "trình độ" nghề.
Muốn hóa thân thành "con đĩ" một cách hoàn hảo nhất phải đánh phấn má hồng...
... và thoa son đỏ chót.
Chịt khăn mỏ quạ để hoàn thiện thêm bộ trang phục sặc sỡ, nhiều màu sắc.
Cũng giống như bất cứ thanh niên nào khi tham gia múa "con đĩ đánh bồng", cái cảm giác đầu tiên của Nam và Hiếu là rất ngượng ngùng. Ai đời trai tráng trong nhà lại đánh phấn, bôi son đỏ chót. Bản thân nghệ nhân Hồng trước đây cũng từng trải qua những xúc cảm ban đầu như thế. Thật sự không dám đi đâu, khi tập ở nhà phải đóng kính cửa. Nhưng rồi từ lúc ngại ngùng rồi đến khi cái duyên nó tự "bám" vào mình, trống bồng sẽ "quyện" vào người nghệ sĩ lúc nào không hay.
Vừa nhấp môi chén trà, Nam vừa thủ thỉ: "Trang điểm trai giả gái, tụi em cũng sợ bị người đời nói ra nói vào. Nhưng người dân đi xem hội không ai trêu đùa mà rất kính trọng, còn khen tụi em là xinh trai. Từ đó, thay vì sợ hãi như trước là cảm giác tự hào với điệu múa truyền thống của làng".
Nghệ nhân Hồng cùng các học trò vái lạy tổ đình trước khi trình diễn.
Cặp trống bồng được đeo trước ngực.
2 chàng trai với ánh mắt duyên dáng, đôi môi cười xinh, tay chân uyển chuyển lả lơi trong những tà áo sặc sỡ.
Sự thăng trầm của lịch sử đã làm cho " con đĩ đáng bồng" bị dần vào quên lãng. Lớp thế hệ những thanh niên 16, đôi mươi như Nam và Hiếu không phải ai cũng chịu tập điệu múa đầy tự hào này. Đau đáu với cái nghề đã thấm vào máu, ông Hồng tự đi đến từng nhà trong làng, vận động, lựa chọn các thanh niên tham gia đội múa của làng. Mỗi năm dạy được một lớp gần 10 bạn là người nghệ nhân đã thấy mãn nguyện lắm rồi.
Làng Triều Khúc vẫn hay truyền tai nhau đôi câu hát ví mà dân làng tặng ông Hồng.
"Thân giai làm đĩ đánh bồng
Làng này còn mỗi đĩ Hồng đấy thôi".
Câu hát ví như xót xa cho điệu múa nổi tiếng bao đời giờ chỉ còn một người giữ "lửa nghề". Nhưng cốt yếu vẫn là trong tâm thức, người đời luôn nhớ về cái thần sắc, hồn cốt của điệu múa lả lơi trong từng nhịp điệu.
Dù thăng trầm của lịch sử đã làm cho " con đĩ đáng bồng" bị dần vào quên lãng...
... nhưng vẫn có một nghệ nhân mãi đau đáu với điệu múa nghìn năm tuổi này.