Vừa qua, Khoa Răng Hàm Mặt (RHM) bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM đã tiếp nhận bé gái 8 tuổi (ngụ tại Tây Ninh) và bé trai 2 tuổi (ngụ tại quận Tân Phú, TP. HCM) được chuyển đến trong tình trạng mặt có nhiều vết thương do bị chó cắn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu - Trưởng khoa RHM (BV Nhi Đồng 1) cho biết: "Ngày 20/11, bệnh viện có tiếp nhận một bé gái ở Tây Ninh và 1 ngày sau tiếp nhận thêm trường hợp bé trai ở quận Tân Phú (TP. HCM) được chuyển đến trong tình trạng chấn thương nghiêm trọng ở vùng mặt. Chúng tôi khám thấy toàn bộ vùng mặt bên trái của 2 bé có nhiều vết rách lớn nhỏ, có chỗ lòi cơ nham nhở. Đặc biệt, vành tai trái gần như đứt lìa, vết thương đang chảy nhiều máu".

Theo BS Đẩu, đây là 2 trường hợp bị chó tấn công nghiêm trọng nhất mà bệnh viện tiếp nhận và vết thương của 2 bé khá giống nhau. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành sát trùng và gây tê tại chỗ, cắt lọc vết thương, khâu tạo hình vành tai trái và vùng hàm mặt.

Hai cháu bé bị chó tấn công tổn thương vùng mặt nghiêm trọng 1

Khuôn mặt bé gái 8 tuổi chằng chịt vết khâu - (Ảnh do bác sĩ cung cấp).

Theo người thân của bé gái 8 tuổi, trưa cùng ngày người nhà cho chó ăn thì bé đi tới gần. Bất ngờ con chó gầm gừ rồi lao vào tấn công. Sau khi quật bé gái ngã xuống đất, chó hung dữ nhằm vào vùng đầu mặt của cháu tấn công như điên dại. Mặc dù có người lớn can thiệp nhanh nhưng bé gái vẫn bị chó cắn nát vùng mặt, gần đứt tai phải, mặt và cằm nhiều vết cắn sâu.

Còn trường hợp của bé 2 tuổi, người nhà cho hay, trước đó, cháu đang chạy vui đùa thì bị vấp ngã vào bầy chó đang cắn nhau. Ngay lập tức cả bầy lao vào cắn xé khiến bé bị thương khắp cơ thể, riêng vùng mặt bị nhiều vết cắn sâu, phải dùng đến 9 cuộn chỉ y khoa và khâu đến 200 mũi ngang dọc trên khuôn mặt cô bé, trong đó nghiêm trọng nhất là vết cắn suýt trúng mắt và 2 vết ở vùng cằm.

Hiện tại tình hình sức khỏe của 2 bé diễn biến tốt, các bác sĩ đã cho xuất viện sau hơn 1 tuần điều trị. Tuy nhiên về trường của 2 bé BS Đẫu cho biết thêm: "Rất có vết thương trên vùng mặt của 2 bé sẽ để lại những di chứng không mong muốn. Điều quan trọng hơn, việc 2 bé có thể bị nhiệm vius dại là điều cũng có thể xảy ra. Vì vậy người nhà cần thường xuyên theo dõi kĩ tình trạng sức khỏe của 2 bé, nếu có những biểu hiện lạ cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện gần nhất để kiểm tra".

Hai cháu bé bị chó tấn công tổn thương vùng mặt nghiêm trọng 2

Bé trai 2 tuổi phải khâu đến 200 mũi sau khi bị đàn chó tấn công - (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Qua hai trường hợp trên, bác sĩ Đẩu khuyên các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý bởi chó tuy là động vật rất gần gũi với đời sống con người, nhưng bản năng hoang dã khiến chúng có những phản ứng rất quyết liệt khi đang ăn, đang ngủ, đang nuôi con,…

Do chó thường có chiều cao ngang với tầm mặt trẻ em nên vết thương chó cắn ở trẻ đa số gây tổn thương ở vùng mặt. Bộ răng chó cấu tạo thích hợp với việc ăn thịt nên vết cắn sẽ xé rách và gây thiếu hổng nhiều da cơ, gây khó khăn cho việc phẫu thuật, khó làm lành vết thương để trở lại vẻ ban đầu.

Hơn nữa, động tác đi đôi với cắn là cào, móng vuốt của chó rất bẩn nên khả năng nhiễm trùng cao, đặc biệt là vi khuẩn uốn ván. Do vậy, khi bị chó cắn, ngoài chích ngừa dại phụ huynh nên chích ngừa thêm cho bé huyết thanh chống vi khuẩn uốn ván (SAT).

Để tránh tai nạn do chó cắn, người nuôi chó nên nhốt hoặc xích chó lại, không thả chạy rông trong nhà hoặc phải đeo mõm cho chó. Đặc biệt cần lưu ý là phải đưa chó đi chích ngừa dại định kỳ để đảm bảo an toàn cho người xung quanh. Đối với trẻ nhỏ, do các bé rất hiếu động nên tránh tiếp xúc với chó trong phạm vi quá gần, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.