Anh Nguyễn Văn Kiên (38 tuổi, Bắc Giang) là bộ đội nên thường xuyên xa nhà. Vợ chồng anh có hai cậu con trai sinh đôi nhưng không giống nhau, cũng không giống bố. Nghi ngờ không phải là con ruột của mình, anh đưa con đến một trung tâm xét nghiệm ADN để xác nhận huyết thống.
Kết quả trả về cho thấy hai bé có quan hệ huyết thống với anh, nhưng cặp song sinh lại mang cấu trúc gene khác biệt hoàn toàn.
Theo đại tá Hà Quốc Khanh, cố vấn tại một trung tâm giám định ADN, trường hợp con của anh Kiên được đánh giá là ca sinh đôi khác trứng tự nhiên cực hiếm gặp. Giới chuyên môn gọi là hiện tượng "siêu thụ tinh", tỷ lệ 13.000 ca mới có một.
“Hai trứng của mẹ được thụ tinh bởi hai tinh trùng khác nhau của bố trong khoảng thời gian nhất định”, đại tá Khanh nói.
Nguyên nhân dẫn đến trường hợp này là do vợ quan hệ nhiều lần với chồng trong thời gian sát nhau. Người vợ rụng hai trứng (thông thường chỉ rụng một trứng), một trứng được thụ tinh trong lần quan hệ này, một trứng được thụ tinh trong lần tiếp theo.
Căn cứ việc tinh trùng chỉ sống sót 5-7 ngày, các chuyên gia phỏng đoán những trường hợp thụ tinh này xảy ra trong khoảng dưới một tuần. Như vậy, người vợ có thể thụ thai sinh đôi khác trứng từ hai tinh trùng của chồng, nên hai con song sinh mang hai kiểu gene khác nhau.
Điều này cũng có thể lý giải cho các trường hợp song sinh cùng mẹ nhưng khác cha hy hữu trong cuộc sống. Nghĩa là người phụ nữ quan hệ với hai hoặc nhiều đàn ông trong thời gian ngắn, một trứng được thụ tinh với người đàn ông này, một trứng được thụ tinh với người đàn ông khác. Như vậy, người phụ nữ có thể thụ thai sinh đôi khác trứng từ tinh trùng của hai người đàn ông khác nhau.
Ngoài ra, trường hợp sinh đôi nhưng khác kiểu gene còn dễ xảy ra với người thụ thai bằng thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Để tăng tỷ lệ thành công, các bác sĩ thường chuyển nhiều hơn một phôi vào tử cung người mẹ.
Nhiều gia đình không đủ tinh trùng nên đề xuất lấy thêm một tinh trùng của người khác từ ngân hàng để tạo thành phôi. Những phôi này cùng lúc được đưa vào tử cung người mẹ và phát triển thành thai nhi. Khi sinh, có thể một bé mang ADN của bố, một bé mang ADN của người hiến tặng.
Theo đại tá Khanh, ở Việt Nam có trường hợp song sinh khác trứng, khác tinh trùng, hai bé mang hai kiểu gene khác nhau.
Năm 2016, một người đàn ông 34 tuổi ở Hòa Bình, do thấy hai người con gái song sinh của mình không giống nhau, và một bé không có ngoại hình giống bố nên đã nghi ngờ. Ông tới Trung tâm phân tích ADN và di truyền Hà Nội để kiểm tra. Kết quả, một trong hai bé không phải con ông.
Để loại trừ khả năng trao nhầm con trong bệnh viện, người mẹ cũng tới trung tâm làm xét nghiệm gene. Kết quả khẳng định hai con là do một mẹ đẻ ra. Như vậy, hai bé gái dù song sinh, chào đời cách nhau không lâu, nhưng lại là con của hai ông bố khác nhau, mang hai kiểu gene khác nhau.