Mưa lũ lịch sử ở Hàn Quốc
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn nguồn Cục Khí tượng Hàn Quốc cho biết trận "đại hồng thủy" trong tuần này đã gây ra những trận mưa lớn nhất trong 115 năm qua ở Seoul.
Ít nhất 10 người đã thiệt mạng do đợt mưa lũ quét qua phía bắc Hàn Quốc kể từ hôm 8/8, làm mất điện, gây lở đất, ngập lụt ở các tuyến đường và tàu điện ngầm.
Cho đến ngày 10/8, ít nhất 6 người vẫn mất tích, ít nhất 570 người tạm thời mất nhà, trong khi 1.400 người đã phải sơ tán, hầu hết ở Seoul. Khi các đám mây mưa bắt đầu di chuyển về phía nam, nỗ lực khắc phục sau mưa lên mức cao nhất.
Trong khi các khu vực rộng lớn như Sillim vẫn bị ngập và người dân mô tả cảnh tượng này như “vũng bùn”, ở khu nhà giàu Gangnam, hầu hết con đường đã thông thoáng và giao thông trở lại bình thường.
Một quan chức tại văn phòng quận Gwanak nói rằng nỗ lực khắc phục hậu quả tại Sillim có thể chậm hơn do khu vực này tập trung căn hộ nhỏ và nhà ở dọc theo con phố hẹp, khác với Gangnam - nơi có đại lộ rộng và các tòa nhà văn phòng.
Ông Ha In-sik đã phải dùng chiếc bát nhựa múc nước ra khỏi căn nhà bán hầm sau trận mưa xối xả hôm 10/8. Căn nhà này nằm ở khu dành cho người thu nhập thấp Sillim ở phía tây nam Seoul. Cơn mưa kỷ lục khiến cả gia đình ông phải ngủ lại ở một công viên gần đó. Người đàn ông 50 tuổi đã cùng vợ và con gái thu dọn đồ gia dụng, nội thất, sách vở, thậm chí cả dao kéo và mang ra bên ngoài nhà, với hy vọng có thể cứu càng nhiều đồ đạc càng tốt.
Cảnh tượng này khiến nhiều người liên tưởng đến câu chuyện trong bộ phim Parasite – bộ phim đã đoạt giải Oscar năm 2020 - khi cơn mưa lớn khiến căn nhà bán hầm của nhân vật chính ngập trong nước. Bộ phim đã khắc họa rõ nét tình trạng bất bình đẳng xã hội ngày càng gay gắt tại nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
“Tôi không có tiền, không có gì cả. Nhưng tôi sống trong tầng hầm này, vì đó là lựa chọn duy nhất giúp tôi sống với con gái mình. Nhưng bây giờ tôi tuyệt vọng. Mọi thứ biến mất, không có sự hỗ trợ nào và tôi thậm chí còn không có thìa để ăn”, người đàn ông chia sẻ.
Ông Ha không phải trường hợp duy nhất đang rơi vào tình trạng khốn khổ. Những cư dân khác ở Sillim cũng đang múc nước bằng những chiếc bát lớn hoặc tìm kiếm trong đống đổ nát xem còn có thể sử dụng được thứ gì.
Mưa lũ khắc nghiệt ở Triều Tiên
Tờ Rodong Simun của Triều Tiên mô tả những trận mưa như trút nước gần đây là thời tiết “khắc nghiệt” và kêu gọi các biện pháp giải quyết triệt để nhằm đối phó với thiên tai.
Hôm 10/8, truyền thông nhà nước đưa tin Triều Tiên đã ban bố cảnh báo mưa lớn trên khắp các khu vực phía nam, khi những trận mưa như trút nước đổ xuống Bình Nhưỡng và các khu vực khác hồi đầu tuần. Nước từ sông Taedong chảy qua Bình Nhưỡng đã tràn vào bờ, làm ngập các con đường ven sông ở thủ đô.
Thông báo trên được đưa ra cho các khu vực ở các tỉnh phía tây nam của Bắc và Nam Hwanghae, một số vùng phía nam của tỉnh Gangwon và thành phố biên giới Kaesong. Những khu vực này đã ghi nhận lượng mưa từ 50 đến 80 mm.
Nhà chức trách cho biết họ đang xử lý đập Nampho, để ngăn nước từ sông Taedong tràn ra, làm hư hại đất nông nghiệp. Giới chức cũng đang kiểm tra các mỏ than để tránh thiệt hại vì mưa lũ hoặc sập hầm.
Mưa như trút gây ngập lụt tại thủ đô của Mỹ
Vào tối ngày 10/8, trận mưa lớn đã trút xuống thủ đô Washington D.C của Mỹ, gây ngập lụt trên diện rộng.
Khi trận giông ập đến vào lúc 4h45 chiều, lượng mưa là từ 5 - 10 cm trong một giờ tùy theo khu vực. Theo báo Washington Post, lượng mưa tại thời điểm đó bằng mức trung bình mà khu vực này nhận được trong cả tháng 8.
Trong vòng vài phút, nước mưa tràn vào các khu vực trũng thấp, có nơi đường phố bị ngập sâu gần 1 mét. Các đường hầm và lối đi bộ ngầm nhanh chóng bị ảnh hưởng, buộc các cơ quan chức năng phải giải cứu người dân.
Tình trạng mưa lớn cũng làm ngưng trệ hoạt động của hệ thống tàu hỏa và đường cao tốc trong khu vực. Theo các bản tin, khoảng 8.000 người ở Virginia, Maryland và Washington DC đã bị cắt điện do ảnh hưởng của những trận mưa như trút.
Nắng nóng gay gắt tại châu Âu
Trong khi mưa lũ lịch sử đang xảy ra tại các quốc gia châu Á và châu Mỹ, người dân nhiều nước tây nam châu Âu đã vật vã với nhiệt độ cao kỷ lục trong nhiều tuần khi nắng nóng tấn công, gây cháy rừng ở nhiều nơi.
Cơ quan khí tượng Anh hôm 15/7 lần đầu ban hành cảnh báo đỏ về nắng nóng, khi nhiệt độ ở một số khu vực tại nước này được dự báo lần đầu tiên chạm mức 40 độ C, phá vỡ kỷ lục nắng nóng từng ghi nhận là 38,7 độ C năm 2019.
Nước Pháp cũng đang đối mặt đợt nắng nóng cao điểm từ Địa Trung Hải tới Brittany ở tây bắc. 15 khu vực đã được đặt trong tình trạng cảnh báo cao nhất vì nhiệt độ cao. Nhiệt độ ở miền tây nước Pháp dự kiến từ 38 đến 40 độ C.
Nắng nóng gay gắt cũng gây ra loạt vụ cháy rừng ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Italy và Croatia.
Ngày 9/8, Cơ quan khí tượng Anh (Met Office) đã nâng cảnh báo về tình trạng nắng nóng cực đoan lên gần mức cao nhất tại nhiều khu vực thuộc xứ England và xứ Wales.
Theo đó, từ ngày 11/8 đến hết ngày 14/8, mức cảnh báo màu Hổ phách được ban bố ban bố nhiều địa phương của 2 khu vực. Mức cảnh báo này đồng nghĩa dự báo sẽ có nhiều người dễ bị tổn thương do nắng nóng cực đoan đối mặt với các nguy cơ về sức khỏe.
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh England vừa trải qua 1 tháng 7 khô nóng nhất kể từ năm 1935 khi nhiệt độ lần đầu tiên vượt 40 độ C. Dự báo, nhiệt độ tại Anh sẽ lên mức đỉnh 35 độ C trong ngày 13/8 và có thể lên tới 36 độ C ở nhiều nơi.
Không chỉ Anh, mà nhiều nước châu Âu khác cũng đối mặt với đợt nắng nóng nghiêm trọng trong vài tuần qua với nhiệt độ vượt trên 40 độ C.
Đợt nắng nóng gay gắt nhất trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng đến hầu hết các nước châu Âu, với nhiệt độ tại nhiều nước lên mức cao kỷ lục, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và sức khỏe.
Thời tiết khô nóng bất thường đã gây ra cháy rừng ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Italy, Hy Lạp và nhiều nơi khác. Cháy rừng đã khiến hàng chục nghìn người trên khắp châu Âu buộc phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán. Riêng tại Tây Ban Nha, hơn 4.000 ha đất đã bị thiêu rụi.
Nắng nóng và thiếu nước cũng khiến nhiều người ở châu Âu tử vong do sốc nhiệt. Nhiều nước trong châu lục ghi nhận mức nhiệt trên 40 độ C. Thậm chí nhiệt độ tại Bồ Đào Nha lên tới 47 độ C trong đợt nắng nóng này.
Ở Italy, tính đến ngày 7/8, có tới 19 thành phố được đặt trong tình trạng báo động đỏ. Điều này có nghĩa nhiệt độ và điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của những người khỏe mạnh. Tuần trước, Viện Khoa học khí quyển và khí hậu thuộc Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Italy cho biết năm 2022 có thể là năm nóng nhất và khô hạn nhất kể từ năm 1800.
Nhiệt độ ở nước này trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7/2022 cao hơn 0,98 độ C so với mức trung bình trong cùng khoảng thời gian trên kể từ năm 1800. Riêng nhiệt độ trung bình trong tháng 7 cao hơn mức bình thường là 2,26 độ C.