Đó là trường hợp đau lòng của bệnh nhân Đ.T.H. (63 tuổi, ngụ tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) được chẩn đoán ung thư vú bên trái nặng, bị lở loét do đắp thuốc nam.

Bệnh nhân H. cho biết cách đây khoảng 1 năm rưỡi, bà phát hiện một khối u trong vú trái của mình, không đau, không gây khó chịu gì.

Nghe người quen mách bảo, bà đến thầy lang đắp thuốc nam lên ngực.

Ngực bệnh nhân lở loét nặng nề sau thời gian đắp thuốc. (Ảnh: BVCC).

Kết quả là chỉ trong một thời gian ngắn, khối u càng ngày càng lớn, lở loét, đau, hôi thối, chảy máu, khó thở, mệt khiến bà phải nhập viện cấp cứu.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được hồi sức, truyền máu, điều trị giảm đau, chống nhiễm trùng. Kết quả sinh thiết chẩn đoán chị H. mang bệnh ung thư vú trái giai đoạn 3B kèm loét da, chảy máu.

Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật đoạn nhủ, sau đó hóa trị hỗ trợ, xạ trị sau mổ và nội tiết.

Cuộc mổ diễn ra thuận lợi. Hiện tại, bệnh nhân hồi phục sức khỏe.

Theo các bác sĩ, ung thư vú nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị đúng cách thì tỷ lệ khỏi bệnh rất cao.

Bệnh nhân cũng không sợ mất đi một phần ngực vì có thể tạo hình lại sau phẫu thuật đoạn nhủ hoặc phẫu thuật bảo tồn vú, từ đó chất lượng sống vẫn được đảm bảo. Ngược lại bệnh được phát hiện giai đoạn càng trễ kết quả điều trị khỏi bệnh rất thấp.

Hãi hùng cảnh ngực người phụ nữ bị lở loét, hoại tử nặng nề vì tự tiện dùng lá thuốc đắp trị ung thư - Ảnh 3.

Một ca phẫu thuật xử lý biến chứng ở ngực.

Bác sĩ cảnh báo người dân tuyệt đối không nên nghe theo lời các thầy lang mà tự đắp thuốc nam hoặc chỉ ăn gạo lức muối mè để điều trị bệnh, tâm lý “sợ động dao kéo” sẽ khiến tiền mất tật mang. Quan trọng nhất là mất cơ hội điều trị khỏi bệnh ở giai đoạn có thể điều trị khỏi được.

Khi các chị em phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ và phụ nữ mãn kinh phát hiện có khối u, cục trong vú, tiết dịch núm vú hoặc thấy vú của mình có bất thường thì nên tìm đến những cơ sở khám chữa bệnh có chuyên khoa ung bướu uy tín, chất lượng để thăm khám và điều trị kịp thời.