Hai nước đầu tiên ngoài châu Phi ghi nhận ca tử vong vì đậu mùa khỉ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: AP.

Đáng chú ý, Tây Ban Nha hiện là nước có số ca nhiễm nhiều nhất với gần 4.300 ca, trong đó 120 ca đang phải điều trị tại bệnh viện và một ca đã tử vong, theo Bộ Y tế nước này. Đại diện Bộ Y tế Tây Ban Nha không đưa ra thông tin về ca tử vong.

Tại Brazil, bệnh nhân tử vong là một người đàn ông 41 tuổi. Bộ Y tế Brazil ngày 29/7 (giờ địa phương) cho biết người này bị ung thư hạch bạch huyết và suy giảm hệ thống miễn dịch, được đưa vào bệnh viện ở thành phố Belo Horizonte và chết vì sốc nhiễm trùng sau khi được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt.

Bộ Y tế Brazil cho biết đã ghi nhận gần 1.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, chủ yếu ở các bang Sao Paulo và Rio de Janeiro. Cùng với Mỹ và Canada, Brazil là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng đáng kể bởi bệnh đậu mùa khỉ ở châu Mỹ.

Các dấu hiệu ban đầu của bệnh bao gồm sốt cao, sưng hạch bạch huyết và phát ban giống thủy đậu. Bệnh thường tự lành sau hai đến ba tuần, mặc dù việc hồi phục đôi khi có thể mất một tháng.

Trường hợp đầu tiên trong đợt bùng phát hiện tại đã được xác nhận tại Anh vào ngày 7/5. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sự xuất hiện của hàng trăm ca nhiễm bên ngoài các quốc gia Trung và Tây Phi, nơi virus lưu hành, cho thấy bệnh đã lây lan mà không bị phát hiện trong một khoảng thời gian.

Khoảng 18.000 trường hợp nhiễm bệnh đã được phát hiện ở 78 quốc gia trên thế giới. WHO đã tuyên bố đợt bùng phát này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.

Người đứng đầu WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết khoảng 70% trường hợp mắc bệnh hiện là ở châu Âu và 25% ở châu Mỹ.

Một loại vaccine đậu mùa được bán trên thị trường với tên Jynneos ở Mỹ và Imvanex ở châu Âu đã được phát hiện là khả năng tạo miễn dịch hiệu quả với bệnh đậu mùa khỉ.