Về số ca bệnh, tuần 26/2024, Hải Phòng ghi nhận 794 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue, không ghi nhận ca tử vong; so với tuần trước (794 ca mắc/0 tử vong), giảm 18 ca.

Tích lũy từ đầu năm đến hết tuần 26, toàn thành phố ghi nhận 2.811 trường hợp mắc, không ghi nhận ca tử vong, so với cùng kỳ năm 2023 (98 trường hợp mắc/0 tử vong) số mắc tăng 28,6 lần, trong đó riêng tại Kiến An có 100 ca.

Tích lũy từ đầu năm đến hết ngày 1/7, thành phố có 2.990 ca (quận Lê Chân 1.774 ca, quận Hải An 433 ca, quận Ngô Quyền 267 ca).

Về ổ dịch, từ đầu năm đến nay, Hải Phòng ghi nhận 730 ổ dịch, trong đó số ổ dịch đang hoạt động là 252, số ổ dịch đã dừng hoạt động là 478, số ổ dịch đang hoạt động có ghi nhận bệnh nhân thứ phát là 61. Các quận, huyện có số ổ dịch đang hoạt động cao là: Hải An, Lê Chân, Vĩnh Bảo, Hồng Bàng, An Dương.

Trước nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng, ngành Y tế Hải Phòng tập trung cao, phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh và truyền hình tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh phường, xã; chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác giám sát dịch (giám sát ca bệnh, giám sát véc tơ, giám sát ổ dịch cũ...); xây dựng giám sát trọng điểm tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố; nâng cao chất lượng công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để.

Ngành Y tế Hải Phòng đề nghị các đơn vị liên quan, các địa phương thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, thu gom phế thải, lật úp các dụng cụ chứa nước không dùng tới… để giảm mật độ véc-tơ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue tại các địa bàn có ổ dịch. Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ tình hình sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn các quận huyện, xã phường; chỉ đạo hướng dẫn các địa phương xử lý triệt để các ổ dịch đang hoạt động trên địa bàn, không để dịch lan rộng, không để tử vong do bệnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Phan Huy Thục, Hải Phòng đang vào mùa hè, sự biến đổi khí hậu, mưa nắng thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho véc-tơ truyền bệnh phát triển. Tại các quận nội thành có mật độ dân số cao, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, biến động dân cư lớn, các công trường đang thi công, mảng đất trống điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, nhiều phế liệu, rác thải có khả năng tích trữ nước đọng không được thu gom triệt để, là điều kiện tồn tại và phát triển của véc-tơ truyền bệnh.

Các hoạt động xử lý ổ dịch còn nhiều khó khăn, chưa được triệt để, hiệu quả còn thấp. Trách nhiệm và ý thức của người dân còn chưa cao khi tham gia các hoạt động diệt bọ gậy, loại trừ các ổ bọ gậy, các chiến dịch vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh tại địa phương và nơi cư trú...

Theo Tổ chức Y tế thế giới, sốt xuất huyết Dengue là một trong những bệnh do véc-tơ truyền bệnh có xu hướng lây lan nhanh nhất và trở thành vấn đề y tế công cộng mang tính toàn cầu; chưa có quốc gia nào khống chế thành công bệnh sốt xuất huyết Dengue. Bên cạnh đó, vaccine phòng bệnh hiện chưa có ở Việt Nam và bệnh cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phòng, chống khó khăn hơn so với các bệnh dịch khác. Sự lưu hành đầy đủ các tuýp virus Dengue trên địa bàn thành phố Hải Phòng làm tăng nguy cơ bùng phát trên diện rộng, ghi nhận các bệnh nhân nặng và có thể tử vong do sốt xuất huyết Dengue.