Hải Phòng: Thủ phủ đào cảnh “khóc ròng” sau bão - Ảnh 1.

Người nông dân tại “thủ phủ” trồng đào xót xa nhìn các gốc đào bị ngập nước.

Vườn đào ngập nặng, nguy cơ mất trắng

Xã Đặng Cương (huyện An Dương) được xem là “thủ phủ” trồng đào lâu đời bậc nhất tại Hải Phòng. Do ảnh hưởng của bão số 3, hơn 10 ngày qua, nhiều vườn đào vẫn ngập sâu trong nước. Gần như hệ thống thủy lợi tại khu vực này đang tê liệt do nước ngoài mương cao hơn nước trong ruộng. Cả tuần nay, nhiều chủ vườn phải đắp bờ bằng bao cát và bơm nước ra ngoài để cứu sống các gốc đào.

Đã quá trưa nhưng ông Phạm Văn Hiển (thôn Dân Hạnh, xã Đặng Cương) vẫn quanh quẩn bên những cây đào đã bật gốc, không chịu về nhà. Bàn tay chai sạn của ông Hiển vuốt ve những gốc đào ngập trong nước đầy nuối tiếc.

Nhiều năm qua, ông Hiển trồng 1.000 gốc đào trên diện tích gần 6.000m2 tại làng nghề trồng hoa và cây cảnh Đặng Cương. Trong số đó, hơn 600 gốc đào “khủng” (giá khoảng 25-30 triệu/gốc) là niềm hãnh diện sau hàng chục năm lăn lộn với nghề chăm đào cảnh của ông. Bão ập đến, cả vườn đào bị gió giật khiến cây đứt rễ, long gốc nên rất khó phục hồi. Nhìn cả vườn đào xác xơ, ông Hiển lắc đầu: “May lắm thì tôi cứu được những cây phôi còn lại để chăm bón vào vụ sau. Chứ năm nay, tôi xác định là không có đào Tết để bán”.

Cách đó không xa, vườn đào ghép có tiếng với 200 gốc cổ thụ được tuyển chọn kĩ càng từ khu vực trung du, miền núi phía Bắc của ông Nguyễn Đình Công (thôn Tự Lập, xã Đặng Cương) cũng thiệt hại nặng nề. Còn gần 5 tháng mới đến Tết Nguyên đán nhưng ông Công nhẩm tính số tiền bỏ ra để chăm cây đã lên vài trăm triệu đồng. Chỉ sau 1 đêm, vườn đào tiền tỷ đã xác xơ.

Ông Công rầu rĩ: “Các gốc đào đẹp có giá cho thuê rất cao vào dịp Tết. Đặc biệt, nhiều người sành chơi còn chi cả trăm triệu đồng để thuê được gốc đào ưng ý. Thế nhưng, bão số 3 đã khiến 30% số gốc đào bị gãy đổ, khoảng 50% số cây bị gãy cành, dập lá. Dù tôi đã chằng chống cẩn thận nhưng hàng loạt cây vẫn đổ la liệt”.

Tương tự, vườn đào cảnh của anh Nguyễn Quốc Măng (thôn Hòa Nhất, xã Đặng Cương) với gần 500 gốc lớn nhỏ đã dập nát hết lá. Qua nhiều ngày úng ngập, rễ cây đào bắt đầu có hiện tượng thối đen. Khi trời hửng nắng, cả vườn cây bắt đầu lụi lá. Nhìn khối tài sản ngập trong nước, anh Măng bật khóc: “Những gốc đào đá, đào cổ thụ được trồng từ 4 - 5 năm nay, có giá vài triệu đến vài chục triệu đã “bay” theo bão rồi. Mặc dù cũng chuẩn bị máy bơm để cứu cây nhưng biết bơm đi đâu khi tất cả cánh đồng đều trắng băng toàn nước. Vậy là mất trắng rồi!”

“Đỏ mắt” tìm vốn

Sau bão, tất cả các chủ vườn đào thay nhau đắp đập, bơm nước cả ngày lẫn đêm từ vườn ra ngoài mong cứu được cây nào tốt cây ấy. Nhưng trớ trêu thay, nước vừa bơm vơi đi hôm trước, hôm sau trời lại mưa xối xả.

Không chỉ vườn đào của ông Hiển, ông Công, anh Măng bị thiệt hại, hàng trăm chủ vườn khác cũng rơi vào cảnh khóc dở, mếu dở. Các chủ vườn chia sẻ, theo kinh nghiệm, với những cây bị gãy cành, dập lá, họ sẽ tìm mọi cách để khắc phục nhưng những cây bật gốc thì coi như bỏ.

Các bậc cao niên tại “thủ phủ” đào Đặng Cương ai nấy đều tỏ ra bất ngờ về sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão số 3. Có năm mưa lớn gây ngập cục bộ ở một số vườn đào. Có năm thời tiết ấm, đào nở sớm khiến người dân thất thu một phần. Tuy nhiên, chưa bao giờ, người nông dân đứng trước nguy cơ mất trắng như lần này.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Cương chia sẻ, sau bão, 100% diện tích trồng đào, quất, hải đường tại địa phương bị úng lụt. Trong đó, 70 - 75% diện tích bị mất trắng do cây chết úng; khoảng 15-20% diện tích cây được cứu sống, vớt vát cho vụ năm sau. Chỉ dưới 10% diện tích là có thể khắc phục được để bán ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2025.

Nhiều năm nay, diện tích trồng đào tại “thủ phủ” Đặng Cương tuy không tăng nhưng nông dân chuyển hướng đầu tư theo chiều sâu. Họ mua thêm nhiều cây có giá trị từ 25 - 30 triệu đồng/gốc rồi ghép mắt đào truyền thống giúp tăng giá trị cây trồng. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 25% diện tích trồng đào nhưng giá trị đầu tư những vườn đào cổ thụ này lên đến 200 - 250 tỷ đồng.

Hiện, khó khăn lớn nhất đối với các chủ vườn đào tại Đặng Cương là nguồn vốn để tái đầu tư vào vụ sau. Các chủ vườn rầu rĩ: “Bao nhiêu vốn liếng, tâm huyết, chúng tôi đều đặt cả vào vườn đào. Nếu không được vay vốn hay hỗ trợ, chúng tôi cũng phải buộc thu hẹp diện tích lại hoặc bỏ không trồng đào nữa”.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Dương (TP Hải Phòng), toàn huyện có khoảng 580ha diện tích trồng hoa, cây cảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau bão số 3. Trong đó, 365ha trồng đào, 80ha trồng quất, 135ha trồng các loại hoa cây cảnh khác bị nghiêng, gãy đổ, bật gốc…