Theo bảng xếp hạng ARWU 2022 vừa được công bố, 2 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được gọi tên là: Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân, lần lượt ở các thứ hạng 601 – 700 và 901 -1.000.
Năm 2021, hai Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân cũng là đại diện của Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng ARWU. So với năm trước, Trường Đại học Duy Tân đã tụt hạng từ vị trí 601 – 700 xuống 901 – 1.000.
Trước đó, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng ARWU năm 2019, thứ hạng 901-1000. Năm 2020, cũng chỉ có Trường Đại học Tôn Đức Thắng có tên trong xếp hạng, ở thứ hạng vươn lên 701-800.
Năm nay, các trường Đại học của Mỹ thống trị 3 vị trí đầu của bảng xếp hạng là Đại học Harvard đứng vị trí số 1, Đại học Stanford vị trí thứ 2 , Đại học Massachusetts Institute of Technology (MIT) đứng vị trí thứ 3. Đại học Cambridge của Anh từ vị trí số 3 đã tụt xuống vị trí thứ 4 của Thế giới.
Ở khu vực Châu Á, Trung Quốc vẫn là quốc gia có nhiều trường ĐH nằm trong bảng xếp hạng của ARWU. Trong đó có 9 trường lọt top 100 và giữ vị trí 26 thế giới và số 1 Trung Quốc là Trường Đại học Thanh Hoa.
Ở khu vực Đông Nam Á, Malaysia có 5 đại diện. Trong đó, vị trí cao nhất là Trường Đại học Malaya thuộc top 301 – 400; Singapore có 3 đại diện, trong đó có 2 trường nằm trong top 100 là Trường Đại học Quốc gia Singapore và Trường Đại học Nayang; Thái Lan có 4 đại diện, trong đó Trường Đại học Chulalongkorn xếp thứ hạng cao nhất là 401 – 500 thế giới.
Như vậy, ở khu vực Đông Nam Á chỉ có Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Malaysia là có đại diện nằm trong bảng xếp hạng của ARWU.
Bảng xếp hạng đại học thế giới ARWU, do Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) bắt đầu thực hiện từ 2003. Đến năm 2009 do tổ chức Shanghai Ranking Consultancy thực hiện độc lập. ARWU đánh giá các đại học trên toàn thế giới căn cứ vào các cơ sở dữ liệu khoa học tự xây dựng, không yêu cầu các đại học phải cung cấp dữ liệu. Các tiêu chí đánh giá chính bao gồm: Chất lượng giáo dục, Chất lượng giảng viên, Nghiên cứu khoa học, Năng suất học thuật bình quân trên đầu người.