Hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần: Thêm gói trợ cấp gia đình ngắn hạn - Ảnh 1.

Thêm một đề xuất về chính sách trợ cấp gia đình để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần.

Triển khai chính sách trợ cấp ngắn hạn

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo Rút BHXH một lần ở Việt Nam: Xu hướng, thách thức và khuyến nghị, cho thấy hầu hết các khoản chi trả trợ cấp một lần do ngừng đóng là của người lao động trong khu vực tư nhân. Trong khu vực công, chi trả bảo hiểm một lần do ngừng đóng ít phổ biến hơn, bởi việc làm ổn định hơn.

Hầu hết những người chọn nhận BHXH một lần đều ở độ tuổi từ 20 đến 39. Việc nhận BHXH một lần sớm là điều có thể dự tính, bởi vì chính những người trẻ thường ít nghĩ về nhu cầu lương hưu khi tuổi già.

Ở Việt Nam, phần lớn các trường hợp rút BHXH một lần là để đối phó với tình trạng thiếu hụt thu nhập ngắn hạn. Vì vậy, báo cáo cho rằng, xây dựng hệ thống BHXH hấp dẫn hơn đối với người lao động bằng cách tăng cường các chế độ trợ cấp ngắn hạn nên là một ưu tiên. “Có hai chính sách chế độ BHXH ngắn hạn phù hợp để đáp ứng một số nhu cầu mà người lao động hay sử dụng tiền BHXH một lần, đó là đưa vào chế độ trợ cấp trẻ em/gia đình, tăng và mở rộng trợ cấp thất nghiệp.

Loại trợ cấp đầu tiên là đưa chế độ trợ cấp trẻ em đa tầng vào hệ thống an sinh xã hội hiện có. Việc thêm vào chế độ trợ cấp như vậy sẽ mang lại hỗ trợ thu nhập ngay lập tức cho hàng triệu gia đình đã có con ở độ tuổi đủ điều kiện, do đó khuyến khích những người lao động trẻ tiếp tục ở lại hệ thống và cũng tham gia đóng góp các chế độ này.

Thẩm tra dự án Luật BHXH sửa đổi, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) xem xét chế độ phụ cấp cho con cái người lao động đang đóng BHXH.

Trước đó, góp ý dự luật sửa đổi, nhiều chuyên gia khuyến nghị cơ quan quản lý bổ sung chính sách trợ cấp trẻ em hoặc gia đình vào hệ thống an sinh nhằm mở rộng diện bao phủ. Với gia đình có con đi học hoặc có người phụ thuộc như bố mẹ già, một số nước có chính sách miễn giảm học phí cho con cái, đổi lại người lao động phải tham gia BHXH.

Vẫn còn những băn khoăn

Đánh giá cao đề xuất bổ sung chính sách trợ cấp gia đình cho người lao động, song theo ông Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ LĐTB&XH, trong bối cảnh hiện nay liệu nguồn ngân sách Nhà nước có đảm bảo? Hơn nữa nếu chính sách này chỉ dành riêng cho con của người lao động tham gia BHXH gặp khó khăn, không áp dụng đối với con của các đối tượng khác làm việc bấp bênh, chưa có điều kiện đóng BHXH (nông dân, người buôn bán nhỏ…) thì lại gây bất bình đẳng. Chính vì vậy, cần phải tính toán, cân nhắc kỹ.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để chính sách trợ cấp trẻ em khả thi thì người thiết kế chính sách phải xem xét, tính toán nguồn ngân sách lấy từ đâu?

“Nếu kinh phí lấy từ nguồn Quỹ BHXH thì phải nói rõ từ quỹ ốm đau, thai sản hay hưu trí… và với mức tiền bao nhiêu cho một trẻ em; rồi từ đó tính toán, cân đối quỹ có bảo đảm chi không. Nếu kinh phí lấy từ ngân sách Nhà nước để trợ cấp cho con người lao động tham gia BHXH thì liệu có công bằng đối với con của những người chưa có điều kiện đóng BHXH do cuộc sống khó khăn?” - TS Phạm Đình Thành – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học BHXH nêu quan điểm.

Việc triển khai chính sách trợ cấp gia đình liệu có thực sự đem lại hiệu quả hay không rất khó khẳng định. Nhưng sau gần 30 năm thực hiện, chính sách BHXH đến nay mới bao phủ hơn 17 triệu lao động, chiếm 37% lực lượng lao động trong độ tuổi. Thống kê giai đoạn 2016-2022, gần 4,85 triệu người rời bỏ hệ thống an sinh. Trong số này, 1,3 triệu người quay trở lại, tiếp tục đi làm và đóng BHXH; gần 3,55 triệu chưa quay trở lại; 907.000 lao động từng rút hai lượt; hơn 61.000 người rút ba lượt. Đây là con số đáng suy ngẫm.