Động thái trên diễn ra vài ngày sau khi các bác sĩ bỏ qua thời hạn do Chính phủ Hàn Quốc đặt ra để chấm dứt những cuộc đình công, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các bệnh viện.

Gần 9.000 bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú đã đình công trong hai tuần qua để phản đối nỗ lực của chính phủ nước này nhằm tăng mạnh số lượng sinh viên tuyển sinh vào các trường y. Việc đình công của hàng nghìn bác sĩ đã khiến hàng trăm ca phẫu thuật và các trường hợp khám, chữa bệnh cũng như điều trị khác bị hủy bỏ, đồng thời đe dọa tạo gánh nặng cho dịch vụ y tế của Hàn Quốc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Park Min-soo cho biết hôm 4/3 rằng các quan chức đã được cử đến hàng chục bệnh viện để chính thức xác nhận sự vắng mặt của các bác sĩ tham gia đình công, trong khi các cơ quan chức năng chính phủ bắt đầu các bước nhằm đình chỉ giấy phép hành nghề của họ trong ít nhất 3 tháng.

Ông Park thông tin chính quyền sau đó sẽ thông báo cho các bác sĩ đình công về việc đình chỉ giấy phép dự kiến của họ và cho họ cơ hội phản hồi. Ông cho rằng việc đình chỉ giấy phép hành nghề sẽ có thời gian vài tuần chờ mới có hiệu lực.

"Mặc dù chính phủ và các bộ phận khác trong xã hội đã nhiều lần kêu gọi nhưng số lượng bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú quay trở lại làm việc là rất không đáng kể. Bắt đầu từ hôm nay, chúng tôi bắt đầu hành động thực thi pháp luật bằng việc kiểm tra tại chỗ", ông Park nói.

Hàn Quốc tuyên bố khởi động hành động pháp lý nhằm vào các bác sĩ đình công - Ảnh 1.

Một nhân viên y tế bước vào Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 29/2 (Ảnh: AP)

Ông Park một lần nữa nhắc lại lời kêu gọi của chính phủ yêu cầu các bác sĩ chấm dứt cuộc đình công: "Chúng tôi một lần nữa mạnh mẽ kêu gọi họ (các bác sĩ) quay trở lại với bệnh nhân, không bỏ qua nỗi đau của những bệnh nhân đang giữa lằn ranh sự sống và cái chết và gia đình của họ".

Để chuẩn bị cho tình trạng căng thẳng, Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch sử dụng quỹ dự phòng 120 tỷ Won (90 triệu USD) để bồi dưỡng cho các nhân viên y tế phải làm việc tăng ca, thuê nhân viên thay thế và kéo dài hoạt động của các bệnh viện công. Chính quyền Hàn Quốc cũng sẽ triển khai thêm nhân lực đến các bệnh viện tuyến đầu ngay trong tuần để lấp đầy khoảng trống nhanh nhất có thể.

Chính phủ Hàn Quốc trước đó đã ra lệnh cho các bác sĩ đình công quay trở lại làm việc trước ngày 29/2. Luật Y tế của Hàn Quốc cho phép chính phủ ra lệnh quay trở lại làm việc như vậy đối với các bác sĩ khi nhận thấy có nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Bất cứ ai từ chối tuân theo những mệnh lệnh đó có thể bị đình chỉ giấy phép hành nghề lên tới 1 năm và 3 năm tù hoặc phạt tiền 30 triệu Won (khoảng 22.500 USD).

Tháng 2, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ tăng số lượng tuyển sinh trường y của nước này thêm 2.000 chỉ tiêu bắt đầu từ năm 2925, từ mức 3.058 hiện tại. Giới chức Hàn Quốc nhận định cần phải có thêm bác sĩ để đối phó với tình trạng dân số già đi nhanh chóng, giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng bổ sung nhân lực chuyên ngành cho các chuyên khoa thiết yếu nhưng lại có mức lương thấp như khoa nhi và khoa cấp cứu.

Được biết, tỷ lệ bác sĩ trên tổng dân số của Hàn Quốc thuộc hàng thấp nhất trong số các nước phát triển.

Tuy nhiên, nhiều bác sĩ đã phản đối kế hoạch này, cho rằng các trường đại học không thể cung cấp nền giáo dục chất lượng trước lượng sinh viên tăng đột ngột như vậy. Họ nói rằng việc bổ sung thêm nhiều bác sĩ mới sẽ làm tăng chi phí y tế công vì sự cạnh tranh lớn hơn sẽ dẫn đến các phương pháp điều trị dư thừa. Họ cũng dự đoán những sinh viên y mới được bổ sung cũng muốn làm việc trong những ngành nghề phổ biến, được trả lương cao như phẫu thuật thẩm mỹ và da liễu.

Những người chỉ trích nói rằng nhiều bác sĩ phản đối kế hoạch của chính phủ chỉ vì họ lo ngại việc bổ sung thêm bác sĩ sẽ khiến thu nhập bị giảm đi.

Cảnh sát Hàn Quốc cho biết họ đang điều tra 5 thành viên cấp cao của Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc - cơ quan đại diện cho các bác sĩ ở nước này - vì cáo buộc kích động và tiếp tay cho các cuộc đình công.