Tôi khá may mắn khi được làm việc trong môi trường đa văn hóa: Quay sang phải có 1 anh Mỹ gốc Phi, sang trái có 1 anh Hàn, 1 chị Trung Quốc.
Không bàn tới việc phải team-work sao cho chặt chẽ để hoàn thành công việc, sự khác biệt về văn hóa chính là yếu tố thú vị nhất tôi tìm thấy ở những con người này.
O-San là biệt danh của anh người Mỹ gốc Phi, hơn 30 tuổi, chưa vợ, sở thích đặc biệt là xem hoạt hình Bảy Viên Ngọc Rồng (Dragon Ball Z). O-San bảo bộ hoạt hình này có nhiều điểm giống với cộng đồng Mỹ gốc Phi, về kẻ mạnh giúp đỡ kẻ yếu, về cách làm cha mẹ và tình cảm gia đình.
Còn chị Trung Quốc, họ Mạnh, 25 tuổi. Khi mọi người đổ xô đi hứng nước lạnh ngoài cây, Mạnh chỉ uống nước nóng hoặc âm ấm, còn lạnh thì thôi vì sợ đau bụng. Mạnh bảo nếu kiếm được anh nào ổn ổn sẽ đưa về quê ra mắt bố mẹ, còn giờ phải kiếm tiền đã.
Còn lại anh người Hàn, tên là Park gì đó, ngoài 35 tuổi, đã kết hôn được 4 năm. Vợ Park cũng đang định cư và làm việc ở Việt Nam.
Cả 3 đồng nghiệp nói trên đều rất ổn, chúng tôi tôn trọng sự khác biệt trong văn hóa của mỗi người. Tuy nhiên, khác biệt là đáng bàn nhất, không phải O-San hay Mạnh, mà là chuyện của Park.
...
Hồi mới gặp Park ở công ty, tôi cũng hỏi hắn vài câu xã giao kiểu lấy vợ chưa, có con chưa, sống ở đây có nhớ bố mẹ bên Hàn không? Park bảo ở Việt Nam ít áp lực hơn, anh thường xuyên xa nhà từ khi tốt nghiệp Đại học nên đã quen với việc không ở gần bố mẹ. Còn con cái ư? Park và vợ đã thống nhất với nhau: Không sinh con!
Tôi khá ngạc nhiên và hỏi hắn không thích có con à, về sau già ai chăm sóc? Hắn nói giờ đã bận rộn rồi, thêm đứa nhỏ nữa sẽ rất áp lực, vừa tốn kém lại không còn thời gian tận hưởng cuộc sống.
Chuyện của Park không mới, đây là một trong những "lối sống mới" và "hình thái gia đình kiểu mới", đã manh nha xuất hiện ở Hàn Quốc từ đầu những năm 2000. Thậm chí, đây còn là kiến thức xã hội được đưa vào giảng dạy cho học sinh.
9 hình thái gia đình đặc biệt ở Hàn Quốc
Theo nền tảng tra cứu học thuật Zum của Hàn Quốc, sự đa dạng trong hình thái gia đình đến từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh chóng. Chưa kể sự tăng cường của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế, tỷ lệ ly hôn tăng và nhiều thứ khác nữa.
1. Đại gia đình
Đại gia đình hay gia đình lớn, là hình thái mà một gia đình được tổ chức theo kiểu "tam đại đồng đường", ông bà, cha mẹ và con cái sống chung. Thậm chí là 4 thế hệ cùng sinh sống nhưng không nhiều.
2. Gia đình hạt nhân
Đây là kiểu gia đình quan trọng và phổ biến nhất của xã hội Hàn Quốc hiện đại. Là hình thái gia đình gồm có bố mẹ và con cái.
3. Gia đình không sinh con
Hình thái gia đình mà các cặp vợ chồng lựa chọn việc sống chung với nhau nhưng không sinh con. Đây là kiểu của vợ chồng nhà Park tôi đã kể ở trên.
4. Gia đình bố (hoặc mẹ) đơn thân
Kiểu này trên phim có rất nhiều, đơn giản là chỉ có bố (hoặc mẹ) nuôi nấng, dạy dỗ con cái.
5. Gia đình tái hôn
Với các cặp vợ chồng cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, họ đi đến quyết định chia tay và làm lại từ đầu với người phù hợp hơn.
6. Gia đình độc thân
Hãy khoan la ó, gọi là gia đình nhưng hình thái này chỉ có 1 nam hoặc 1 nữ, sống độc thân, không sinh con, không kết hôn, không quan hệ tình cảm và như thế cũng không sao cả.
7. Gia đình nhận con nuôi
Là hình thái gia đình nhận những đứa trẻ không có quan hệ huyết thống (có thể là trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn) và nuôi dạy chúng như con đẻ.
8. Gia đình đa văn hóa
Là hình thái gia đình mà trong đó bố hoặc mẹ là người khác quốc tịch Hàn Quốc.
9. Gia đình ông bà - các cháu
Vì lý do gì đó mà những đứa trẻ không có bố (hoặc mẹ), chúng chủ yếu lớn lên trong vòng tay của ông bà nội (hoặc ngoại).
Chưa hết đâu, còn kiểu thứ 10, đặc biệt nhất và cũng kỳ cục nhất.
Hai vợ chồng nuôi 1 con chó, 1 cái cây cũng được gọi là gia đình.
Phổ biến nhất trong thời gian gần đây cũng như được nhiều thanh niên Hàn Quốc lựa chọn, là hình thái gia đình nuôi thú cưng hoặc trồng cây cảnh.
Những hộ gia đình nuôi thú cưng coi chúng như con đẻ, đặt tên và gọi con xưng bố mẹ. Hằng ngày sẽ cho chúng đi chơi, theo dõi sức khỏe định kỳ. Lý giải về việc lựa chọn hình thái kỳ cục này, nhiều bạn trẻ có cùng lý do với Park: Nuôi nấng 1 đứa trẻ từ khi ra đời đến lúc vào Đại học là gánh nặng lớn với thanh niên.
Thay vào đó, họ tìm đến niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống bằng việc nuôi chó, mèo. Dù thế nào thì nuôi thú cưng cũng đỡ tốn hơn trẻ em, giảm bớt gánh nặng kinh tế. Số khác thích làm... bố mẹ của cây cảnh vì chúng giúp thanh lọc không khí, khiến tinh thần của họ (chắc chắn) thoải mái hơn việc thay tã hoặc nghe trẻ con khóc nhè.
Hội chị em chưa lập gia đình thấy sao về thực trạng này ở Hàn Quốc?
Tham khảo: Zum