Vụ cháy mới xảy ra tại quán karaoke An Phú (tỉnh Bình Dương) khiến nhiều người tử vong, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về công tác phòng cháy chữa cháy.
Vật liệu cách âm nguy hiểm, sinh khí độc
Trao đổi với PV, Đại tá, PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy đã có nhận xét qua một số vụ cháy điển hình rằng, nguy cơ cháy nổ đối với loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke rất cao bởi cả hai yếu tố chính là "chất cháy và nguồn nhiệt".
Theo Đại tá Xiêm, đa số những trường hợp hỏa hoạn xảy ra với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đều để lại những hậu quả lớn.
Bởi lẽ, chất cháy tại các quán karaoke hiện nay đều có tải trọng rất lớn, bao gồm gỗ, xốp, lớp phủ trang trí vật liệu bằng nhựa. Đây đều là những chất dễ bắt lửa, đồng thời tỏa ra lượng khí lớn và rất độc hại cho sức khỏe con người.
"Theo nghiên cứu của chúng tôi trước đây, yếu tố tác động nguy hiểm nhất trong một vụ hỏa hoạn đầu tiên là khói. Bên trong đó có những loại khí cực độc mà chỉ cần 10-30mlg/m3 đã rất đáng sợ, có khả năng gây mất cảm giác, ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh con người.
Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh karaoke để phục vụ kinh doanh đều làm hệ thống cách âm rất kín, bịt mọi lỗ thông ra bên ngoài bằng các vật liệu dễ cháy. Hầu hết các vụ hỏa hoạn, phần lớn các nạn nhân tử vong do ngạt khi hít phải khói", Đại tá Xiêm phân tích.
Ngoài ra Đại tá Xiêm cũng phân tích, trong trường hợp khi khói không có nhiều chất độc hại thì riêng việc hít phải khí nóng cũng đã ảnh hưởng và có nguy cơ bỏng, cháy hết hệ hô hấp.
Nhiều chủ quán chưa tuân thủ quy định PCCC
Theo Đại tá Xiêm, qua các nghiên cứu cho thấy, nhiều chủ cơ sở kinh doanh karaoke chưa tuân thủ các quy định an toàn. Điều này cũng được nhắc lại trong cuộc họp báo (8/9), Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết vụ cháy xuất phát từ sự cố chập điện vách cách âm của quán.
Chủ quán khi trình để xin cấp phép, hệ thống điện bao gồm loại dây, công suất tiêu thụ đều rất chuẩn nhưng trong quá trình sử dụng lại tự ý cải tạo, nâng cấp và lắp thêm các thiết bị tiêu thụ điện khác dẫn tới tình trạng quá tải, vượt xa lúc thẩm định.
"Họ tìm mọi cách đều giấu kín việc này khiến cơ quan chức năng rất khó khăn để phát hiện và xử lý. Chưa kể có những cơ sở kinh doanh hàng chục năm nhưng vẫn sử dụng hệ thống điện cũ. Điều này rất nguy hiểm và gây ra nguy cơ cao", Đại tá Xiêm cho hay.
Cũng nói về nguyên nhân gây cháy, trong cuộc trao đổi với PV, một kỹ sư chuyên về hàn xì cũng cho rằng, rất nhiều chủ đầu tư khi có nhu cầu sửa chữa đã chủ quan trong việc lựa chọn thợ chuyên nghiệp.
"Thợ hàn chưa có kinh nghiệm thường chủ quan không tính toán đến độ truyền nhiệt. Trong quá trình hàn, nhiệt dẫn đến khu vực có chất dễ cháy, dù không còn độ sáng nhưng vẫn dao động quanh mức từ vài trăm độ C. Hàn xì đầu này nhưng cháy ở đầu kia là chuyện rất dễ xảy ra".
Một trong những nguyên nhân rất dễ xảy ra hậu quả, chuyên gia nhận định, khách đi hát thường khi đã say mềm, không kiểm soát được bản thân, có người hút thuốc vô tư gạt xuống ghế nệm, trong quá trình này ngọn lửa vô hình cháy âm ỉ cho đến khi bùng lên mới phát hiện.
Các chuyên gia cũng cho rằng, dịch vụ kinh doanh karaoke đem lại lợi nhuận cao nên chủ cơ sở bất chấp dù thủ tục cấp phép chưa hoàn thiện, bỏ qua công tác an toàn.
"Mặt bằng khép kín, phía trước thì làm biển quảng cáo, hành lang chật hẹp và thoát hiểm theo kiểu tạm bợ", đó là một trong số những nguyên nhân chủ quan.
Hà Nội ra hướng dẫn PCCC cho người dân
Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Hà Nội đã đưa ra hướng dẫn thoát nạn cụ thể cho người dân khi đối mặt với hỏa hoạn tại các quán karaoke và vũ trường.
Theo đó, để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra, Công an TP Hà Nội có khuyến cáo đối với chủ cơ sở kinh doanh và người dân khi tham gia vui chơi tại các cơ sở karaoke.
Cụ thể, đối với chủ cơ sở kinh doanh karaoke cần tuyệt đối tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy; thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân viên kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC và thoát nạn khi có cháy, nổ; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở nhân viên, khách hàng chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Các cơ sở cũng cần tự tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trong đó tập trung một số nội dung gồm: Việc duy trì yêu cầu về ngăn cháy lan, lối ra thoát nạn, lối ra khẩn cấp; hệ thống, thiết bị phòng cháy, hệ thống điện; quản lý, sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn cứu hộ của cơ sở; công tác trực của lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố ngay từ khi mới phát sinh.
Trong quá trình thi công, cải tạo, sửa chữa, các chủ cơ sở phải thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn chung.
Đối với người dân, cơ quan chức năng đưa ra khuyến cáo cần tự tìm hiểu, học tập để trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy và kỹ năng xử lý, thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra…
Khi tham gia đến các nơi vui chơi, giải trí, người dân cần chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; không mang chất cháy, chất nổ đến những nơi này… Trước khi có hoạt động vui chơi, tất cả cần quan sát kỹ các lối thoát nạn đề phòng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra thì xử lý được kịp thời và an toàn cho chính bản thân mình.
Khi phát hiện xảy ra cháy hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho mọi người biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn qua cửa chính, qua cầu thang thoát hiểm, tuyệt đối không được sử dụng thang máy.
Trong quá trình thoát hiểm ở vùng có nhiều khói, hãy dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn.
Trường hợp lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác: Qua ban công, cửa sổ, sân thượng sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống mặt đất bằng thang, thang dây…; tuyệt đối không núp trong phòng, trong nhà vệ sinh… Trường hợp không còn lối thoát nào khác hãy dùng áo, quần thấm ướt, trùm lên đầu và người cố gắng thoát qua đám cháy một cách nhanh nhất có thể.