Hằng Du Mục và chồng ly hôn có lẽ là chủ đề được bàn tán nhiều nhất ngày hôm nay. Trên trang cá nhân, Hằng không còn là chiến thần livestream hay 1 TikToker duyên dáng như mọi ngày. Hôm nay, Hằng là 1 cô "gà mẹ" dang rộng đôi cánh che chở cho 4 đứa con đi qua những bão giông, sóng gió.
Chịu đựng loạt tổn thương về thể xác lẫn tinh thần từ người đàn ông Hằng gọi là chồng, gồng mình "chiến đấu" trong 1 cuộc chiến nặng gấp ngàn lần thân hình nhỏ bé của cô, cuối cùng, sau tất cả những ồn ào, đấu tố cô ấy vẫn chọn các con. Hằng không muốn nhắc đến người đàn ông tạo ra sóng gió ở nơi mà người ta thường gọi là "bão dừng sau cánh cửa", Hằng chỉ gửi đến người thân và người lạ 1 lời xin lỗi và cảm ơn.
Đến giờ tôi không muốn phân tích hay đánh giá câu chuyện này thêm nữa vì nó đã thực sự kết thúc êm đẹp. Thế nhưng, chúng ta có thể nhìn nhận và soi chiếu vào chính bản thân mình, về những điều phi lý trong cuộc hôn nhân của Hằng Du Mục, về cái gọi là tình yêu thương.
Lấy 1 người đàn ông chênh lệch mình nhiều thứ dù chẳng phải vì tiền
Hằng Du Mục quen Tôn Bằng trong 1 lần cô sang Trung Quốc. Chắc hẳn sẽ nhiều người nghĩ Hằng chấp nhận lấy Tôn Bằng là 1 sự đánh đổi, bởi ngoài việc anh ta hơn cô tận 14 tuổi, có 2 đứa con riêng, 2 lần đổ vỡ hôn nhân thì anh ta là 1 doanh nhân có công ty riêng. Nhưng ai theo dõi Hằng Du Mục chắc hẳn cũng biết, trước khi trở thành "chiến thần livestream", cô từng sang Pháp học ở Đại học Toulouse, chuyên ngành Sinh học và Sinh thái học. Đây được đánh giá là một trong những trường đại học có truyền thống lâu đời nhất ở châu Âu và thứ 2 tại Pháp. Xuất thân của Hằng Du Mục cũng từ gia đình cơ bản, bố là giáo viên, thành thạo 2 thứ tiếng Anh và Trung. Vậy 1 cô gái có điều kiện như thế dấn thân làm "cây tầm gửi" làm gì?
Là người mất mẹ từ sớm, bố đi bước nữa và bản thân Hằng có mối quan hệ rất tốt với dì, chắc hẳn cô hiểu và đồng cảm với cảnh "gà trống nuôi con" của Tôn Bằng. Lấy 1 người đàn ông chênh lệch mình nhiều thứ và còn đang gánh 3 công ty trên bờ vực phá sản, Hằng Du Mục được gì? Mọi thứ chỉ có thể giải thích bằng 2 từ "yêu thương".
Phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang nhưng vẫn bị chồng phụ
Hằng Du Mục được rất nhiều người ngưỡng mộ. Xinh đẹp, giỏi kiếm tiền, đảm bếp núc lại nhân hậu, trong mỗi câu chuyện Hằng chia sẻ đều có những chi tiết về gia đình, chồng con. Có thể thấy, Hằng là phụ nữ hiện đại nhưng cũng rất truyền thống, luôn hướng về gia đình.
Ngay từ thời gian đầu bước vào hôn nhân Hằng đã phải gánh vác công việc kinh doanh thất bại của chồng. Vậy mà, gái có công sao chồng vẫn phụ?
Nhiều ưu điểm như Hằng Du Mục còn khổ vậy, chị em phụ nữ đang loay hoay giữa vòng xoay cơm áo gạo tiền biết sống sao?
Có những cái tưởng chừng như phi lý nhưng vẫn hiện hữu giữa cuộc sống hàng ngày. Đâu phải phụ nữ càng giỏi chồng lại càng yêu! Thay vì nhìn vào hướng tại sao mình làm được như vậy chồng còn không vừa lòng thì hãy nghĩ mình đang hoàn thiện, cố gắng tạo 1 hành trang cho riêng mình. Phụ nữ nếu cứ mải mê tìm kiếm 1 đáp án hợp lý thì cuộc đời này sẽ chẳng tồn tại những bất công.
Mối quan hệ "khó tin" giữa ông và cháu ngoại không do con gái mình sinh ra
Người cập nhật tình hình phiên tòa ly hôn sớm nhất là ông Hảo – bố của Hằng Du Mục. Cái cảm giác phải ngóng trông, mong chờ xen lẫn lo lắng cho các con cháu mình ở nơi xa chắc hẳn không dễ dàng gì. Có lẽ điều Hằng làm giỏi nhất là gắn kết những thành viên không cùng máu mủ trở thành 1 gia đình hạnh phúc trọn vẹn.
Có cha mẹ nào thoải mái để con gái đi lấy chồng xa rồi còn phải chăm sóc 2 con riêng của chồng? Nếu Hằng phải bao dung 1 thì có lẽ bố mẹ cô ấy sẽ bao dung 10. Họ phải học cách yêu thương cả những đứa cháu không ruột thịt với mình. Vì tình yêu của con gái họ, họ chọn cách tin tưởng và hy vọng. Và rồi, không còn giới hạn bởi 2 từ huyết thống, thứ đem họ xích lại gần nhau, gắn kết với nhau chính là tình yêu thương.
Tôi tin không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người xúc động trước tình cảm của ông Hảo dành cho Dịch Dương và Nhất Dương. Hiểu con gái phải chịu những thiệt thòi thế nào, ông tâm lý đón nhận, mở lòng với 2 đứa cháu đang coi con gái mình là mẹ. Từng bài đăng, từng bức ảnh, từng câu bình luận của ông Hảo không chỉ thể hiện sự gắn kết mà còn ánh lên 1 chút tự hào – Ông đã nuôi dạy con gái thật tốt và giờ con ông cũng đang nuôi dạy các cháu tốt như vậy.
Có người hỏi "Hằng được mấy cháu rồi?", ông Hảo vô tư trả lời "Hằng được 4 cháu". Sự vô tư ấy như 1 lời khẳng định 1 cách mặc định trong trái tim ông, gia đình ông đã công nhận Dịch Dương và Nhất Dương là con cháu nhà mình.
Không đứng ở vị thế của người lớn, bậc cha ông hay người "khác máu", ông Hảo dành những lời chân thành đến 2 chàng trai đang học cách trưởng thành: "Cảm ơn 2 con… Ông mang ơn 2 con…". Ông cũng không tiếc lời khen "2 cháu ngoại" là những "vệ sĩ đầy tình cảm và trách nhiệm" và hướng đến tương lai "bảo hộ cho các cháu phát triển cuộc sống". Và những điều dường như phi lý ấy vẫn được giải thích bằng 2 từ "yêu thương".
Mấy đời bánh đúc có xương, nhà này dì ghẻ lại thương con chồng
Nếu Hằng Du Mục đến với Tôn Bằng giống như trạng thái 2 cán cân lệch nhau thì hôm nay, khi cô ra đi cũng như vậy. Hằng tay trắng, nhận nuôi 2 con đẻ và cả 2 con riêng của chồng. Còn Tôn Bằng (chắc hẳn nghĩ con đã lớn nên không cần bố), anh ta chọn lợi ích và để 2 con đi theo người mà chúng gọi là mẹ kế. Điều phi lý này thật nực cười nhưng nếu theo dõi cả 1 quá trình Hằng Du Mục tận tâm, tận sức với 2 con riêng của chồng thì sẽ thấy kết quả hôm nay thật hiển nhiên.
Những khoảnh khắc Dịch Dương thoải mái cười nói với dì Hằng không còn xa lạ. Cậu trai 17 tuổi chẳng dám chống lại bố nhưng vẫn mạnh mẽ đỡ hộ dì nhát dao từ bố. Còn Nhất Dương – anh cả 24 tuổi, lứa tuổi không còn hồn nhiên trẻ con nữa, vậy mà sau biến cố lại có thể e dè hỏi dì: "Con cũng được đi à? Con có phòng không ạ để con mua cái máy tính để bàn con tập edit video". Tôi muốn coi 2 anh chàng thanh niên sức dài vai rộng này là 2 đứa trẻ, bởi nỗi lo sợ nơm nớp "sợ dì sẽ bỏ 2 đứa" đáng thương như những đứa trẻ sợ bị mẹ bỏ rơi. Thậm chí, 2 đứa trẻ ấy còn xăng xái vác đồ dọn đồ cùng dì để chuyển sang chỗ ở mới, 1 chỗ ở ngập tràn tình yêu thương, bình yên và hy vọng.
Hiếm có ai làm được như Hằng, hiếm có ai dùng toàn bộ 200% sức lực để giành giật quyền nuôi con riêng của chồng như Hằng. Điều phi lý này rốt cuộc vì cái gì? – Vẫn là tình yêu thương, lòng bao dung của 1 người mẹ.
Trong bài đăng hôm nay, ngay khi phiên tòa kết thúc, Hằng nhận lỗi về mình, rằng "Hằng là 1 người thất bại nên mới ngồi đây để viết những dòng này". Nhưng sau thất bại này Hằng sẽ được nhiều hơn là mất.
Cuối cùng, xin kết lại bằng thông điệp của Hằng Du Mục: "Hãy dựa vào bản thân mình để sống, đừng phụ thuộc ai kể cả về tinh thần hay vật chất bởi lỡ có 1 ngày giống như Hằng hôm nay, các bạn sẽ biết sự tự lập, tự chủ, tự do tài chính nó quan trọng nhường nào.
Chúc cho chúng ta của sau này sẽ sống tốt và ưu tú lên mỗi ngày".