Thực hư giảm giá
Trong cái nắng và bức bối của đợt nắng nóng đầu hè, những con phố thời trang có tiếng ở Hà thành như Cầu Giấy, Kim Mã, Hàng Bông, Bà Triệu, Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên... thêm chật chội và nóng nực hơn; bởi đâu đâu cũng thấy những tấm biển hay băng rôn giảm giá, xả hàng, thanh lý..., từ quần áo, mũ nón đến giày dép, hầu hết đều tập trung vào những mặt hàng phục vụ mùa hè. Hàng mới nguyên đã thế, hàng “thùng” (tập trung chủ yếu ở khu vực Kim Liên) càng giảm giá “kịch liệt” hơn, thậm chí giá chào bán chỉ còn 20 – 30% so với niêm yết.
Tại cửa hàng thời trang của anh bạn tôi trên phố Phạm Ngọc Thạch, một đôi nam nữ vào cửa hàng anh Hà xem đồ, chán chê cũng chọn được 1 chiếc áo sơ mi nam giá 200 ngàn. Chính chiếc áo ấy, tôi vẫn nhớ thuộc lô hàng anh “đánh” theo dây về 1 năm trước, vốn được bán giá ban đầu là 350 ngàn, cuối hè năm 2012 vẫn đề giá 300 ngàn. Dẫu quen biết, nhưng chẳng nhẽ vào hàng người ta ngồi “ám” giữa buổi sáng cũng không tiện, tôi chọn đôi dép xỏ ngón ghi nhãn hiệu Nike. Anh bảo cô nhân viên lấy 20 ngàn. Tôi bảo anh cứ lấy đúng giá đi, anh em còn lúc này lúc khác. Anh cười: “Giá nó chỉ thế thôi chú ạ, anh lấy lãi làm gì”. Trên miếng mác đính kèm, giá cũ 120 ngàn đã được gạch bỏ, thay vào đó là con số 70 ngàn. Cũng đúng kiểu dáng đó cách đây hơn 1 năm, tôi mua trên phố Hàng Dầu (nơi tập trung khá nhiều cửa hàng giầy dép, thuộc phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) 100 ngàn, sau khi đã kỳ kèo ngã giá từ mức nói thách 150 ngàn của người bán.
Nhiều cửa hàng bán quần áo treo biển giảm giá hàng loạt hàng hè khi mới vào đầu vụ
Không chỉ các cửa hàng thời trang nhập khẩu như của anh Hà, ngay các hãng thời trang có chút tên tuổi trong nước như Blue Exchange (với chuỗi cửa hàng rải khắp Hà Nội, từ Xuân Thủy, Chùa Bộc, Hàng Bông đến Hàng Bài...) cũng treo biểu giảm giá mạnh trong thời gian này. Cửa hàng của hãng này trên phố Chùa Bộc chiều cuối tuần khá đông khách, chủ yếu là sinh viên các trường đại học gần đó và một phần là giới công chức trẻ.
Dãy bán hàng giảm giá ngay cửa ra vào treo biển chỉ 30.000 – 100.000 đồng mỗi sản phẩm quần áo, lại là khu vực đông khách nhất. Theo một nhân viên bán hàng ở đây, đó là những sản phẩm đã hết vòng đời, được thay thế bởi các mẫu mã mới.
“Xả” hàng tồn là chính
Nói nôm na, đấy là hàng tồn kho, được nhà sản xuất hạ giá để xả hàng, giải phóng gian hàng và nhất là thu hồi vốn. Cũng nhiều người không chọn được sản phẩm ưng ý ở gian giảm giá, nhân tiện đã bước chân vào hàng, tranh thủ xem những mặt hàng khác, cũng khá nhiều người chọn được món ưng ý với giá hợp túi tiền. Nằm không xa cửa hàng của Blue Exchange là các “tên tuổi” khác đã và đang được định hình trong trí nhớ người tiêu dùng như Ninomax, Canifa, Body, Men... cũng đồng loạt treo biển giảm giá 30 – 50%, với cách thức “xả hàng” không khác nhau là mấy; quan trọng là cũng khá đông khách. Nhưng quan sát kỹ thì có thể nhận thấy hầu hết đó đều là những cửa hàng thời trang bình dân, rất ít sản phẩm có giá trên triệu đồng.
Còn tại các cửa hàng của những hàng thời trang “cao cấp” hơn (dù cũng đều là những thương hiệu trong nước) như Pierre Cardin (thương hiệu nước ngoài được hãng An Phước mua lại bản quyền sản xuất và tiêu thụ độc quyền tại Việt Nam, Lào, Campuchia...), Nem, Ivy Fashion, Alcado, không khí khuyến mại có vẻ trầm lắng hơn. Mặc dù các hãng này cũng giảm giá mạnh từ 10 - 50%, nhưng giá mỗi sản phẩm vẫn ở mức khá cao, khiến người tiêu dùng không thể phóng tay.
Các mặt hàng khác như quạt điện, điều hoà, tủ lạnh... cũng được các siêu thị, cửa hàng điện máy treo biển “khuyến mãi”, “giảm giá” quanh năm không khác các cửa hàng thời trang; tuỳ theo mỗi mùa mà có cách quảng cáo khác nhau. Tuy nhiên, thực tế những mặt hàng giảm giá hầu hết là các mẫu mã cũ, hàng tồn kho, được các hãng sản xuất hay nhà phân phối chiết khấu cao cho các cửa hàng để giảm giá xả hàng hút khách, đồng thời giải phóng hàng tồn kho, thu hồi vốn, chứ không phải do các cửa hàng chủ động giảm giá chịu lỗ để bán hàng.
Tuy vậy, ngay trong đợt nắng nóng đầu hè vừa qua, thị trường điện máy phục vụ hè ở riêng thị trường Hà Nội cũng không có nhiều chuyển biến, ngoại trừ các sản phẩm quạt điện giá rẻ. Lẽ đơn giản, những mặt hàng như điều hòa, tủ lạnh đều có vòng đời sử dụng lâu dài; hầu hết người dân chỉ mua sắm một lần dùng cho nhiều năm. Chưa kể trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay, nhiều gia đình dù có điều hòa cũng hạn chế tối đa, chủ yếu dùng quạt điện để tiết kiện chi phí.
Nắm bắt tâm lý này, hàng loạt cửa hàng bán lẻ hay kể cả các trang mua bán online (trên mạng internet) thông báo giảm giá mạnh các sản phẩm quạt điện (chủ yếu do trong nước sản xuất). Nhất là với các trang mua bán online, sự “giảm giá kích cầu” mới càng nhộn nhịp. Tại một trang mua bán qua mạng khá nổi tiếng hiện nay, một sản phẩm quạt sản xuất trong nước được thông báo giảm giá tới 50% - 60%, mẫu mã cũng khá đẹp, được bảo hành 3 năm (nhưng với điều kiện mua theo nhóm).
Thực tế nếu ra cửa hàng bán lẻ, sản phẩm này cũng chỉ bán ở mức mà trang online đã giảm, mà mua lẻ một chiếc cũng được.
Chỉ là chiêu "hút" khách Anh Nguyễn Ngọc Hà, trú tại ngõ 563 đường Giải Phóng, là chủ một cửa hàng bán đồ thời trang mới trên phố Phạm Ngọc Thạch và một cửa hàng đồ thời trang cũ trên phố Hoàng Tích Trí (phường Kim Liên, quận Đống Đa). Thời gian gần đây ít thấy anh đi “đánh hàng” (chủ yếu qua cửa Thẩm Quyến của Trung Quốc nếu là hàng mới và cửa Mộc Bài sang Campuchia nếu là hàng cũ). Trà dư tửu hậu, anh cho biết không phải bây giờ mà từ hơn 1 năm nay, cùng với sự đi xuống của nền kinh tế, hàng bán rất chậm, có chăng cũng chủ yếu là hàng giá rẻ, tiền lãi thu về nhiều khi không bõ công sức bỏ ra, trong khi đấy tồn kho vẫn cao ngất ngưởng. Anh lưu ý tôi tấm biển giảm giá 30% – 50% treo ngoài cửa hàng đã “mắc” ở đấy cả năm nay: “Kích cầu thôi em ạ. Trước lãi nhiều thì giờ chịu bớt đi vậy. Hàng mới vẫn phải lấy thêm về vì còn giữ mối bên kia nữa, có chăng là ít hơn trước. Khách bây giờ đi mua hàng việc đầu tiên là quan tâm ở đâu có giảm giá, khuyến mại. Tham lãi có mà chết sặc tiết”. Với các cửa hàng điện máy phục vụ hè cũng vậy. Không có chuyện người bán hay nhà sản xuất chấp nhận cắt lỗ để xả hàng, mà chủ yếu là giảm bớt lợi nhuận để thu hút khách. Ngay cả những quảng cáo khuyến mại nghe ra có vẻ “khủng” hiện nay như mua sản phẩm trúng sản phẩm, bắt thăm trúng thưởng... cũng chỉ được các hãng nêu ra mà ít thấy thông báo người trúng thưởng. Mập mờ giá cả, mập mờ khuyến mãi cũng là do cách thức quản lý thị trường còn nhiều bất cập ở ta hiện nay. Người dân “được” mua hàng giảm giá, tưởng món hời, nhưng thực tế đấy là người tiêu dùng mua sản phẩm với đúng với giá trị thực của nó mà thôi... |