Chiều 18/7, Sở Công Thương Hà Nội đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về phương án đảm bảo hàng hóa thiết yếu sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19 nhằm đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Tăng từ 30-50% lượng hàng thiết yếu phục vụ người dân

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện nay nguồn hàng hóa thiết yếu dự trữ để phục vụ người dân tăng từ 30-50%, trong điều kiện sức mua tăng nóng vài ngày thì nguồn hàng vẫn dồi dào.

Hầu hết các hệ thống đều chủ động nguồn hàng, kho dự trữ tại các tỉnh, dự trữ tại các hệ thống phân phối, tăng đối đa hệ thống dự trữ tại các siêu thị nên người dân không phải lo lắng đi mua hàng tích trữ gây mất ổn định thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp sẵn sàn mở cửa thêm giờ, cam kết đảm bảo đủ lượng hàng phục vụ nhu cầu người dân ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng tăng.

 - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh hàng hóa vẫn đang dồi dào

Với phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, nguồn hàng tại chỗ, phục vụ tại chỗ” và 3 sẵn sàng “Chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương”, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động yêu cầu các doanh nghiệp tích trữ lượng hàng hóa 17 nhóm thiết yếu trong thời điểm có dịch tăng gấp 3 lần so với tháng thường.

Theo đó, dự kiến lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 21.500 tỷ đồng.

Kịch bản 3 cấp độ

Đồng thời, ngành công thương thành phố xây dựng kịch bản 3 cấp độ theo các mức độ lây lan của dịch với tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo các cấp độ.

Đó là cấp độ 1 từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên tổng trị giá lượng hàng hóa là 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 từ 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc tổng trị giá lượng hàng hóa 1.048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc tổng trị giá lượng hàng hóa 5.359,05 tỷ đồng.

Đến nay, 100% UBND các quận, huyện, thị xã đã xây dựng đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân ứng phó với dịch COVID-19.

Theo đó UBND các quận huyện, thị xã đã chủ động chuẩn bị bố trí 1.920 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho dự trữ và điểm bán hàng lưu động, 236 xe ô tô sẵn sàng vận chuyển hàng hóa khi cần thiết.

Các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ dự trữ hàng hóa đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp 2-3 lần so với bình thường và tăng cường sản xuất, khai thác, dự trữ hàng hóa đầy đủ tại các kho hàng của doanh nghiệp và đặt hàng với nhà cung cấp đảm bảo lượng hàng hóa được giao sẵn sàng phục vụ nhân dân khi cần thiết.

 - Ảnh 2.

Hà Nội lên kịch bản 3 cấp độ cung cấp hàng hóa cho người dân (Ảnh minh hoạ)

Sở Công Thương Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội chấp thuận cho phép 132 xe ô tô, xe sitec của 20 doanh nghiệp được hoạt động 24/24/7 cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu nhân dân, bình ổn thị trường và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cùng đó, tiếp tục trình thành phố cho phép thống nhất phương án chấp thuận cho xe các tỉnh, thành phố và xe của doanh nghiệp lưu thông 24/24/ngày phục vụ vận chuyển hàng hóa phòng chống dịch.

Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố Hà Nội tạo điều kiện cho 495 xe ô tô chở hàng hóa, nông sản, nguyên vật liệu tỉnh Bắc Giang (đã đảm bảo các quy định phòng chống dịch về người, phương tiện, hàng hóa) được phép lưu thông trên địa bàn Hà Nội, qua các chốt, trạm kiểm dịch theo quy định để kịp thời cung cấp hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sở Công Thương Hà Nội cũng chủ động kết nối với 53 tỉnh, thành phố; trong đó, tập trung vào các khu vực phía Bắc để nắm rõ các doanh nghiệp chủ lực sản xuất hàng công nghiệp, nông sản tại các địa phương để cung cấp cho các đơn vị phân phối của Hà Nội; chủ động liên hệ, ký kết nguồn hàng, sẵn sàng cung cấp lượng hàng cần thiết khi Hà Nội có nhu cầu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác hỗ trợ một số tỉnh tiêu thụ hàng hóa khó khăn trong tiêu thụ, dư cung do ảnh hưởng của dịch COVID-19.