Hiểm họa từ ma túy đá
Hiện tượng “ngáo đá” đang ngày càng xuất hiện và diễn biến hết sức phức tạp. Những hành vi, tình tiết từ các vụ án mạng do kẻ phạm tội dùng ma túy đá bị ảo giác gây ra vô cùng kinh hãi.
Tới bây giờ, người dân ở khu phố Thọ Môn, phường Đình Bảng, Thị Xã Từ Sơn, Bắc Ninh vẫn không quên nổi trường hợp vì Nguyễn Tiến Hiếu (SN 1993) vì bị "ngáo đá" vác dao sát hại cha ruột là ông Nguyễn Văn Hoan một cách điên cuồng. Ông Hoan đã dùng hết sức chống đỡ, bỏ chạy nhưng vẫn bị con đuổi theo và dùng dao chém liên tiếp vào người. Hiếu đã được đưa đi điều trị bệnh tâm thần nhưng không thuyên giảm, thường xuyên có biểu hiện hoang tưởng, nói cười một mình.
Giữa tháng 12/2013, một vụ án mạng kinh hoàng xảy ra tại Phường Ngọc Thụy - Long Biên (Hà Nội). Hung thủ là Nguyễn Hữu Chính (SN 1979, quê Hưng Yên), sát hại bạn gái sau khi sử dụng ma túy đá tại phòng trọ của nạn nhân. Sau khi bị bắt giữ, Nguyễn Hữu Chính khai: do khuya hôm đó gã có sử dụng ma túy đá, lúc ấy Chính nghĩ bạn gái mình là con trằn tinh khổng lồ, nếu không giết sẽ bị tấn công nên đã ra tay thảm sát người yêu mình không thương tiếc.
Cuối năm 2014, một vụ thảm án kinh hoàng xảy ra tại phường Cầu Kho, Quận 1 - TP.HCM. Hung thủ chặt xác rồi cho vào bao tải mang đi phi tang. Nạn nhân là chị H. (40 tuổi), là em dâu đồng thời là người tình của hung thủ. Theo như điều tra từ phía công an Q.1 - TP.HCM, hung thủ được xác định là Đặng Văn Tuấn (44 tuổi), từng có tiền án, tiền sự vừa mới ra tù chưa được bao lâu. Theo lời khai từ phía hung thủ, hắn thừa nhận hành vi phạm tội của mình là do có mâu thuẫn với chị H. nên đã ra tay sát hại, phân nhỏ xác phi tang nạn nhân trong lúc hắn đang “phê hàng đá”.
Qua tình tiết từ các vụ việc trên, có thể thấy tác hại khủng khiếp của ma túy đá tới người sử dụng. Một điều vô cùng đau lòng là nạn nhân trong những vụ án trên đa phần là người thân của các đối tượng sử dụng ma túy đá.
Ma túy đá gây ra hiện tượng ảo giác, khiến những người sử dụng không thể điều khiển được hành vi của chính mình. Mới đây, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, một nam thanh niên được nghi là có biểu hiện “ngáo đá” đã nhảy xuống từ tầng 3 của một căn nhà và tử vong ngay sau đó. Trong đoạn clip 2 phút được đăng tải trên Youtube, khi phát hiện thanh niên này có ý định nhảy xuống đất, người dân đứng dưới đã hét lên can ngăn, tuy nhiên vẫn không có tác dụng.
Sáng ngày 23-4 trên địa bàn TP. Hà Nội, nam thanh niên có tên Nguyễn Thế Công (SN 1991, HKTT ở Đồng Cao, Cẩm Trung, Xuân Cấm, Hiệp Hòa, Bắc Giang) do "ngáo đá" mà tưởng mình là "rái cá" và cứ thế lao xuống hồ Hươm bơi hùng hục về phía Tháp Rùa. Với nhận định đối tượng có khả năng bị ngáo đá, Đại úy Vũ Anh Dũng, cán bộ thuộc đội CSĐT thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bằng các biện pháp nghiệp vụ đã nhanh chóng tìm cách để khống chế và đưa anh ta lên bờ.
Trước đó ngày 22/4, trên địa bàn TP. Vinh (Nghệ An), người dân cũng hốt hoảng khi phát hiện một thanh niên leo trèo và đi trên các cột điện rồi “ngồi lì” trên đó qua đêm cho đến trưa ngày 23/4 mới chịu xuống. Theo như thông tin ban đầu, thanh niên này tên là Thắng (SN 1984, trú tại khối 9, phường Lê Lợi), vào thời điểm xảy ra sự việc, Thắng có biểu hiện của người bị “ngáo đá”, ảo tưởng, không làm chủ được mình.
Do sợ chập điện ảnh hưởng đến tính mạng của Thắng, người dân đã báo cáo sự việc lên chính quyền địa phương, công an phường và tiến hành cắt đường dây điện đi qua khu vực này. Khi thấy lực lượng công an đến, Thắng liên tục leo trèo từ cột điện này sang cột điện khác, đi trên đường dây điện như làm xiếc và nhất quyết không chịu xuống.
Cần chung tay dẹp bỏ tệ nạn
Điểm lại những vụ án do “ngáo đá” xảy ra trong thời gian qua, biết bao người phải rùng mình. Những đối tượng đa phần có biểu hiện rất đáng sợ, đến khi thoát khỏi “ảo giác”, tỏ ra ân hận thì đã quá muộn. Những đối tượng bị "ngáo đá" đang đe dọa trực tiếp đến trật tự an toàn xã hội, đến tính mạng của người sống xung quanh.
Theo nhận định của Bộ Công an, dưới tác động của tội phạm ma túy trong khu vực, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta có xu hướng gia tăng về quy mô, tính chất và mức độ nghiêm trọng, nhất là ở các tuyến, địa bàn trọng điểm. Đây chính là nguyên nhân mà các “dân chơi” dùng “hàng đá” ngày càng phát triển chóng mặt.
Trả lời phỏng vấn trên báo Công An TP HCM, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, người nghiện ma túy “đá” không có biểu hiện vật vã khi lên cơn thèm thuốc, chính điều này khiến các ông bố bà mẹ không tin con em mình nghiện. Nhiều bậc phụ huynh không có những kỹ năng cần thiết để nhận diện, ngăn chặn và xử lý các tình huống khi con “nghiện đá” khiến nhiều hậu quả đau lòng xảy ra. Vì vậy gia đình phải chịu trách nhiệm trong việc giáo dục, bảo vệ con trẻ khỏi tác động của ma túy. Chính sự thiếu hiểu biết còn mơ hồ, hạn chế của bố mẹ và người thân là một phần nguyên nhân khiến loại ma túy cực độc này đang xâm nhập và tàn phá giới trẻ.
Theo ý kiến của chuyên gia, dưới góc độ luật pháp, “ngáo đá” dù gây hoang tưởng tâm thần nhưng không phải là tình tiết giảm nhẹ. Pháp luật nhất thiết không nên chiếu cố cho tội phạm “ngáo đá” để tránh việc kẻ xấu lách luật gây tội ác. Dưới góc độ khoa học, phải giám định thật kỹ các trường hợp ngáo đá để đánh giá việc sử dụng ra sao, mức độ ảnh hưởng thần kinh đến đâu. Mặt khác, một khi pháp luật đã có quy định về trường hợp người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, thì “ngáo đá” cũng không loại trừ.
Xã hội đang “oằn mình” gánh những hậu quả của các đối tượng “ngáo đá” gây ra. Hạn chế và từng bước đẩy lùi những vụ án thương tâm là hậu quả của “ngáo đá” không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng công an mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi gia đình và cả xã hội.