Theo AFP, ngày 29/12, Tân Hoa Xã đưa tin nhà chức trách Trung Quốc đã cho thu hồi các sản phầm dầu ăn của ba công ty sau khi phát hiện các sản phầm này chứa cùng một độc tố gây ung thư - vốn được tìm thấy trong các sản phẩm sữa gần đây.


Ảnh minh họa.

Theo Tân Hoa Xã (THX), cơ quan an toàn thực phẩm của tỉnh miền Nam Quảng Đông đã đình chỉ sản xuất tại các nhà máy của ba công ty trên, do sản xuất dầu ăn có chứa hàm lượng độc tố nấm mốc cao. Các sản phầm dầu ăn này được chế biến từ lạc và ba công ty bị đình chỉ sản xuất là dầu Phúc Thịnh (Fusheng Oil), dầu Lạc Mã Ý (Manyi Peanut Oil) và dầu Ma Bảo (Mabo Oil).

THX cũng cho biết hiện vẫn chưa rõ liệu sản phẩm dầu ăn chứa độc tố này đã được bán cho người tiêu dùng hay chưa.

Trước đó, hãng sản xuất sữa hàng đầu Mengniu thông báo nhà chức trách đã phát hiện hàm lượng nấm mốc cao trong một lô sữa sắp được bán ra thị trường. Độc tố được tạo thành do bò sữa ăn thức ăn có nấm mốc tại một nông trại ở Tây Bắc Trung Quốc.

Năm 2008, sữa trở thành tâm điểm của vụ bê bối an toàn thực phẩm lớn nhất Trung Quốc khi hóa chất công nghiệp melamine được tìm thấy trong các sản phẩm sữa. Có ít nhất hơn 300.000 đứa trẻ đã trở thành nạn nhân của loại sữa nhiễm melamine.

Đứng trước tình hình khẩn trên, tháng 5 vừa qua, Tòa án Tối cao Trung Quốc đã chỉ thị tăng mức độ hình phạt đối với những tội phạm an toàn thực phẩm.

Theo đó, hình phạt cao nhất áp dụng đối với tội phạm này có thể đến mức tử hình.

Và cũng theo Tân Hoa Xã, tòa án Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) đã kết án 6 người bán thịt lợn lên tới 4 năm tù vì bán thịt lợn "bẩn" có chứa chất gây ung thư clenbuterol.

Theo đó, mỗi người trong số họ còn bị phạt thêm 50.000 NDT (tương đương 7.900 USD).

Phát hiện thịt lợn chứa chất gây ung thư tại Trung Quốc. Ảnh minh họa

Cũng theo THX, cuối tháng trước, chỉ tính riêng ở tỉnh Hà Nam, đã có ít nhất 113 người, trong đó có 77 công chức, bị tống giam vì liên quan đến vụ bê bối này hồi tháng 3.

Cùng với các sự việc liên quan đến vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm trước đây như gạo bị nhiễm kim loại nặng, hay sữa nhiễm độc…, vụ bê bối thịt lợn nhiễm clenbuterol đã đẩy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại Trung Quốc lên mức báo động đỏ.