Báo cáo tại Hội nghị đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy trong tình hình mới diễn ra sáng nay (5/11), Chủ tịch UBND TP cho biết từ khi có chỉ thị trên TP.HCM đã thành lập, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra ở ba cấp với gần 60.000 lượt, xử lý 7.000 trường hợp vi phạm các quy định phòng cháy chữa cháy.

Hàng nghìn nhà ở tại TP.HCM có nguy cơ cháy nổ cao - Ảnh 1.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM báo cáo Chính phủ về kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01 về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy trong tình hình mới trên địa bàn. (Ảnh: N.N)

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, trên địa bàn có 60.488 nhà chung cư, nhà nhiều căn hộ, nhà trọ, phòng trọ, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh. Trong đó số nhà trọ, phòng trọ là rất nhiều, với hơn 55.000 nhà trọ, phòng trọ. 

Đây là những nơi có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao khi mà phần lớn hiện trạng của các loại nhà này nằm ở vị trí sâu, tiếp cận khó và không đạt chuẩn về xây dựng cũng như phòng cháy, chữa cháy.

Hàng nghìn nhà ở tại TP.HCM có nguy cơ cháy nổ cao - Ảnh 2.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ - Công an TP.HCM diễn tập xử lý tình huống cháy do va chạm giao thông.

Mặt khác, việc bố trí, sắp xếp nguồn lửa, lối đi tại những nhà này thường không hợp lý, ảnh hưởng tới lối thoát hiểm, di chuyển để cứu hộ. Cùng với đó, việc bố trí lực lượng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy ở các nơi này thường không đảm bảo.

Thời gian qua, TP.HCM đã thành lập 3.200 tổ liên gia phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã, phường thành lập khoảng 80.000 tổ để đảm bảo được việc thực hành phòng cháy, chữa cháy tại chỗ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan một số vấn đề như: rà soát và hoàn thiện khung pháp lý; thống nhất các quy định quản lý, xử lý các chung cư, tòa nhà cũ,...

Hàng nghìn nhà ở tại TP.HCM có nguy cơ cháy nổ cao - Ảnh 3.

TP.HCM có 60.488 nhà chung cư, nhà nhiều căn hộ, nhà trọ, phòng trọ, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh. Trong đó, nhiều nơi không đạt chuẩn về xây dựng cũng như phòng cháy, chữa cháy.

“Chúng tôi đề nghị Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan, nhất là Bộ Xây dựng cần thống nhất hướng dẫn các biện pháp xử lý đối với những nhà hiện hữu theo hướng xem xét hiện trạng và có các giải pháp phù hợp với những nhà xây trước khi có Luật. Có những nhà được xây do nhu cầu như thế thì bây giờ chúng ta phải có những quy định để hướng dẫn, xử lý cho phù hợp với hiện trạng”, ông Phan Văn Mãi đề nghị.

Ngoài ra, ông Phan Văn Mãi cũng kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo Đại học Phòng cháy, chữa cháy cập nhật chương trình đào tạo, tập huấn về phòng cháy, chữa cháy, rút kinh nghiệm từ các vụ cháy vừa qua. Đồng thời, đề nghị bổ sung công tác tập huấn cho công an xã, phường để lực lượng này có kinh nghiệm, trình độ, chuyên môn bài bản, chính quy hơn.

Cũng tại hội nghị, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức, TP.HCM cho biết, địa phương đang thực hiện kiểm tra 3 tháng/lần đối với những nơi có nguy cơ cháy nổ cao như chung cư cao tầng, khu chế xuất, khu công nghiệp. Bên cạnh công tác kiểm tra, TP. Thủ Đức cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng người dân, học sinh; hướng dẫn người dân chuyển đổi mục đích sử dụng nhà ở sang kinh doanh sản xuất để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.