Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 9 trên cả nước sẽ tham dự kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để chuẩn bị tốt cho việc này, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo quy chế tuyển sinh. Hiện dự thảo được Bộ GD&ĐT tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, hạn cuối nhận ý kiến góp ý là ngày 18/12/2024.

Thời điểm này các năm trước, một số địa phương đã công bố phương án thi lớp 10 công lập. Tuy nhiên năm nay, các tỉnh thành đều phải chờ Thông tư của Bộ để thực hiện thống nhất chung trên toàn quốc.

Hàng nghìn phụ huynh, học sinh thở phào nhẹ nhõm trước thông tin này: Hết cảnh chờ đợi, hồi hộp "thót tim"- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Được biết, phương án thi lớp 10 sẽ được công bố trước 31/12 theo lịch dự kiến trong Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Những ngày qua, phương án tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2025-2026 ra sao là chủ đề nhận được sự quan tâm lớn của thí sinh, phụ huynh thí sinh và giáo viên. Đã có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng phương án tuyển sinh lớp 10 với mong muốn học sinh được giảm áp lực. Nguyện vọng chung của thí sinh là sớm được biết phương án thi để có thời gian chuẩn bị.

Vì vậy, thông tin này khiến nhiều phụ huynh và học sinh rất vui mừng.

Hàng nghìn phụ huynh, học sinh thở phào nhẹ nhõm trước thông tin này: Hết cảnh chờ đợi, hồi hộp "thót tim"- Ảnh 2.

Nhiều người cho biết rất vui mừng khi nghe thông tin này!

Trên một số diễn đàn dành cho phụ huynh, nhiều người có con năm sau thi vào lớp 10 cho biết, việc công bố phương án thi sẽ giúp các con tập trung ôn tập, có chiến lược phù hợp để cán đích thành công.

Với phụ huynh Hà Nội, thì quy chế thi, nhất là môn thi thứ ba đối với học sinh thi vào lớp 10 là một trong các nội dung được nhiều người quan tâm.

Đa phần phụ huynh đồng tình với phương án thi ba môn, song lo lắng về thời điểm công bố môn thi thứ ba. Nhiều người mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét thời gian công bố phương án thi sớm, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và nhà trường trong việc ôn tập.

"Phương án thi 3 môn là phương án tối ưu cho cả học sinh, gia đình và nhà trường, để việc chuẩn bị được chu đáo nhất. Ngoài ra, môn thi thứ 3 cũng cần công bố sớm, không nên để hạn là cuối tháng 3 hàng năm. Khối lượng kiến thức quá lớn phải học, phải ghi nhớ, dần dần tạo áp lực thi cử, sinh ra hệ quả tiêu cực", một giáo viên nhận định.

Theo dự thảo, việc tuyển sinh THPT (thi vào lớp 10) được tổ chức theo một trong ba phương thức: Xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển.

Với phương thức xét tuyển, căn cứ là kết quả rèn luyện và học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở của đối tượng tuyển sinh.

Với phương thức thi tuyển, số môn thi là 3 môn với Toán, Ngữ văn và 1 môn thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp.

Các Sở GD&ĐT được chọn 1 trong 2 phương án. Nếu chọn môn thứ 3, môn này phải nằm trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số. Đáng chú ý, Bộ yêu cầu các Sở phải thay đổi môn thi thứ ba qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.

Thời điểm các địa phương công bố môn thứ 3 là trước 31/3 hàng năm.

Nếu các Sở chọn bài thi tổ hợp, các môn học được lựa chọn phải nằm trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số. Bài thi tổ hợp không yêu cầu phải thay đổi qua các năm.

Về thời lượng làm bài thi của từng môn, dự thảo quy định môn Ngữ văn 120 phút, môn Toán 90 phút hoặc 120 phút, môn thi thứ ba 60 phút hoặc 90 phút, bài thi tổ hợp 90 phút hoặc 120 phút. Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, chủ yếu là chương trình lớp 9.

Tính đến ngày 7/10, Bộ GD&ĐT thống kê có 60/63 Sở GD&ĐT đồng ý phương án 3 môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và cho rằng điều này phù hợp thực tế và giảm áp lực.